Lan tỏa mô hình “Giáo viên của giáo viên”

Thứ 3, 12.04.2022 | 09:56:42
607 lượt xem

“Giáo viên của giáo viên” là mô hình được nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia tự học, tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, vận dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến để quá trình dạy học hiệu quả hơn.


Học sinh Trường THCS Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong một giờ học.

Cô giáo Phạm Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) chia sẻ: Hưởng ứng mô hình “Giáo viên của giáo viên”, nhà trường đã khuyến khích, phân công giáo viên trẻ, nhạy bén về công nghệ thông tin giúp đỡ các giáo viên trong trường tạo sự lan tỏa trong đội ngũ giáo viên, phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ.

Trong đó, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3, năm học vừa qua luôn tích cực chia sẻ, tham gia giúp đỡ đồng nghiệp trong các giờ thi giáo viên dạy giỏi, như việc hỗ trợ dựng giáo án, thiết kế, làm đồ dùng dạy học thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đầu năm 2021, cô Linh đã tổ chức tập huấn, chia sẻ với giáo viên trong trường về phần mềm Quizizz giúp tất cả giáo viên trong trường sử dụng thành thạo và ứng dụng trong các tiết dạy trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp các tiết học trở nên sinh động hơn, học sinh các lớp đều hào hứng, vui vẻ.

Sau thành công của buổi tập huấn phần mềm Quizizz, cô Linh tiếp tục tổ chức tập huấn, chia sẻ với giáo viên trong trường về phần mềm Classdojo. Đây là phần mềm rất hữu ích, hỗ trợ giáo viên trong công tác chủ nhiệm như điểm danh, tích điểm khuyến khích học sinh hăng hái, tích cực trong các tiết học trực tuyến và cả học trực tiếp... Vào các giờ sinh hoạt chuyên môn, cô Linh cũng thường xuyên tập huấn, chia sẻ cho đồng nghiệp trong tổ về một số phần mềm như Blooket (hỗ trợ giáo viên thiết kế các bài kiểm tra bài cũ, khởi động đầu giờ, ôn tập, củng cố kiến thức); ứng dụng Padlet (hỗ trợ giáo viên chuyên biệt thu bài và chấm chữa bài của học sinh; giáo viên tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, làm dự án... liên quan đến bài học).

Trong khi đó, theo cô giáo Nguyễn Hồng Minh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nhân Chính (quận Thanh Xuân), mô hình “Giáo viên của giáo viên” đã phát huy được tác dụng trong việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đội ngũ. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, mô hình “Giáo viên của giáo viên” lại càng phát huy tác dụng. Đối với môn Khoa học tự nhiên, các giáo viên của từng phân môn như: Hóa học, Vật lý, Sinh học có thể bổ trợ kiến thức cho nhau để giảng dạy liền mạch kiến thức, dạy đúng ý đồ của tác giả khi biên soạn sách giáo khoa.

 Với sự giúp đỡ của những giáo viên trẻ giỏi công nghệ, các giáo viên lớn tuổi sẽ học hỏi được cách sử dụng các phần mềm sao cho cuốn hút được học sinh vào các bài giảng. Cùng với đó, với những giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nhưng nếu được những thầy, cô lớn tuổi nhiều kinh nghiệm đi trước chia sẻ từng bài dạy, mỗi tuần dự giờ lẫn nhau để rút kinh nghiệm, học hỏi chuyên môn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự bổ sung kiến thức cho nhau, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) Phạm Gia Hữu, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể học trực tiếp ở trường thì hình thức dạy học trực tuyến sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc dạy và học của các nhà trường. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì khi học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều.

 Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để học sinh vừa tập trung vừa hứng thú với các tiết học trực tuyến? Bên cạnh đó là những hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin với những giáo viên lớn tuổi đã khiến cho việc triển khai dạy học trực tuyến gặp khó khăn. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã triển khai, áp dụng hiệu quả mô hình “Giáo viên của giáo viên”, khuyến khích, phân công giáo viên giỏi giúp đỡ, bồi dưỡng giáo viên mới ra trường, dưới 5 năm kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa trong đội ngũ giáo viên; phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của giáo viên.

Các trường đã tổ chức giao lưu học tập, trao đổi công tác chuyên môn nhằm tiếp cận, vận dụng các phương pháp dạy học mới, hiện đại, tiên tiến trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này đã góp phần tiết kiệm được rất lớn kinh phí đào tạo. Đối với những trường được đánh giá yếu hơn, quận phân bổ, điều động, biệt phái giáo viên có kinh nghiệm ở các trường tốt hơn sang giúp đỡ giảng dạy, để vực dậy và nâng cao chất lượng giáo dục.


Long Thành/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/lan-toa-mo-hinh-giao-vien-cua-giao-vien-692802/

  • Từ khóa