Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào nói chung, tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng không ngừng được củng cố, tăng cường.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam tặng quà lưu học sinh Lào học tập ở Sơn La.
Cùng những thành tựu quan trọng đạt được trên các lĩnh vực, tỉnh Sơn La đã và đang tập trung hợp tác về giáo dục và đào tạo. Trong đó, nổi bật là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Lào được triển khai hiệu quả.
Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, trong đó điều kiện tự nhiên, xã hội có nhiều nét tương đồng với các tỉnh Bắc Lào. Trong nhiều năm qua, phát huy tốt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và điều kiện tự nhiên, xã hội, tỉnh Sơn La đã tăng cường tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, đặc biệt là trong hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho 9 tỉnh Bắc Lào.
Lễ tổng kết khóa đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào K19.
Cụ thể hóa chủ trương hai nước
Điểm lại quan hệ hữu nghị và hợp tác, nhất là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào cho thấy mối quan hệ đặc biệt hữu nghị này đã và đang không ngừng được mở rộng, phát triển. Trong đó, tỉnh Sơn La còn chủ trương tạo điều kiện để các huyện trong tỉnh tổ chức kết nghĩa, hợp tác với các huyện bạn thuộc các tỉnh Bắc Lào, trong đó hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực theo chủ trương của hai quốc gia được chú ý quan tâm.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, thông tin: Tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch trong việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào. Đồng thời, thực hiện biên bản ký kết giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào từ năm 1969, tỉnh Sơn La đã giúp các tỉnh bạn đào tạo tập huấn cán bộ.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã đào tạo giúp các tỉnh Bắc Lào hàng nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên thông qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, Sơn La còn ban hành chính sách hỗ trợ lưu học sinh Lào trong thời gian học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn.
Hội Chữ thập đỏ Trường Cao đẳng Sơn La tặng quà cho lưu học sinh Lào.
Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 3.000 lưu học sinh Lào học tập tại tỉnh Sơn La. Trong đó, có gần 2.200 lưu học sinh Lào đã hoàn thành chương trình đào tạo về nước công tác. Hiện có hơn 800 lưu học sinh Lào đang học tại Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sơn La. Ngoài ra, còn có hơn 600 cán bộ của các tỉnh Bắc Lào được đào tạo về tiếng Việt đã trở về nước công tác.
Từ những chủ trương chung của hai nước, các lưu học sinh Lào trước khi vào học chuyên ngành tại Sơn La nếu chưa biết tiếng Việt sẽ được học dự bị tiếng Việt trong thời gian một năm tại Trường Cao đẳng Sơn La và Trường Đại học Tây Bắc, được cấp chứng chỉ tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Sau đó, các lưu học sinh Lào sẽ được bố trí vào các lớp để học tập cùng các sinh viên, học viên Việt Nam theo chuyên ngành và chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo bằng tiếng Việt ở tất cả các trình độ sau đại học, đại học chính quy, liên thông, cao đẳng và trung cấp đã đăng ký.
Những kết quả của tình hữu nghị
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy tốt truyền thống văn hóa, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, các cơ sở đào tạo của tỉnh Sơn La đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan, trải nghiệm, tham quan học tập, trải nghiệm tại các di tích lịch sử cách mạng, di tích và lễ hội văn hóa, danh lam, thắng cảnh trong tỉnh Sơn La và một số tỉnh của Việt Nam.
Trường Cao đẳng Sơn La, ngôi trường đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo tiếng Việt và nhiều chuyên ngành cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào, hiện đang có 200 lưu học sinh Lào đang học tiếng Việt và các chuyên ngành tại trường. Để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường không ngừng cải tiến, xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp lưu học sinh Lào sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Việt sẽ đạt kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Qua đó, bảo đảm cho các em có đủ tiêu chuẩn tham gia học các chương trình đào tạo chuyên ngành tại trường và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.
Trường Đại học Tây Bắc tổ chức thi làm mâm ngũ quả cho các lưu học sinh Lào.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La, thông tin thêm: Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, lựa chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để giúp cho lưu học sinh Lào ngay từ những bài học đầu tiên đã tiếp cận và làm quen với yêu cầu của môn học. Đồng thời, có nhiều giải pháp, chương trình phù hợp trong việc trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ trong giảng dạy, cung cấp cho các lưu học sinh đầy đủ các tài liệu liên quan trên hệ thống thư viện điện tử của nhà trường…
Chia sẻ về quá trình học tập tại Sơn La, sinh viên Khoăn Ta Khoăn Thạ Vông, lớp Cao đẳng Công nghệ thông tin K55, Trường Cao đẳng Sơn La, nói: “Khi mới sang học, em và các bạn gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Sau hai năm học tập, được các thầy cô giáo, các bạn Việt Nam quan tâm, giúp đỡ, giờ em đã sử dụng thành thạo tiếng Việt trong học tập và sinh hoạt hằng ngày”.
Là đơn vị trường có hơn 400 lưu học sinh Lào, Trường Đại học Tây Bắc cũng luôn xác định công tác đào tạo lưu học sinh Lào là một nhiệm vụ quan trọng, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập. Trường Đại học Tây Bắc đã dành một khu ký túc xá riêng cho các em, được miễn hoàn toàn các chi phí về chỗ ở tại khu nội trú của trường, làm thẻ sinh viên, thẻ thư viện, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, được hưởng học bổng khuyến khích nếu đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt.
Sinh viên Xúc Sạ Vẳn Lao Ly, K59 Giáo dục chính trị, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: “Chúng em luôn được nhà trường tạo điều kiện học tập và rèn luyện tốt nhất. Ngoài việc học còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan các di tích lich sử, trong đó có những di tích lịch sử về tình hữu nghị giữa hai nước... Sau này về nước, em sẽ mang những kiến thức của mình được học tại Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương, góp phần xây dựng, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Lào ngày càng bền chặt”.
Lưu học sinh Lào tham gia các hoạt động văn nghệ tại Trường Cao đẳng Sơn La.
Qua đánh giá về kết quả hợp tác đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh Bắc Lào cho thấy, nhiều lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp về nước công tác đã giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Những kết quả trên đã và đang tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào và mối quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
QUỐC TUẤN - VIỆT ANH/nhandan.vn