Thời gian gần đây, rất nhiều học trò của tôi trút bầu tâm sự chuyện của mình. Nhiều em bảo mình đang rất cô đơn. Các em bị ba mẹ rầy la suốt. Có em còn bảo muốn bỏ học đi bụi nữa.
Sáng sớm nay, tôi nhận được tin nhắn của một cô bé học sinh lớp 9. Em bảo rằng dạo này em cô đơn quá. Em đang bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Em chẳng biết chia sẻ nỗi buồn của mình với ai cả. Ba mẹ em thì đi làm suốt từ sáng đến tối mới về. Chẳng bao giờ ba mẹ hỏi em có mệt không? Lúc nào mẹ cũng cáu gắt rồi nhắc nhở em ráng mà học hành cho tốt. Không thì coi chừng mẹ đó. Em chán sống lắm rồi cô ạ.
Đọc tin nhắn của em, tôi hốt hoảng thật sự. Đây là cô học trò mà tôi đang làm gia sư luyện thi tuyển 10. Em học khá và rất dễ thương. Lúc trước, em rất hay trò chuyện với tôi về cuộc sống và chuyện học hành. Tôi quý em và cũng thường xuyên động viên em cố gắng học tốt để mai này mà có tương lai.
Dạo gần đây, em ít nói hẳn đi. Em cũng ít trò chuyện tâm sự cùng tôi như lúc trước. Tưởng em áp lực về chuyện học hành nên tôi cũng ít để ý. Chẳng ai ngờ, em lại cô đơn như thế. Tôi thương em và rất mong em bình tâm để vượt qua những kì thi quan trọng sắp tới.
Thời gian gần đây, rất nhiều học trò của tôi trút bầu tâm sự chuyện của mình. Nhiều em bảo mình đang rất cô đơn. Các em bị ba mẹ rầy la suốt. Có em còn bảo muốn bỏ học đi bụi nữa cơ. Thế là bất đắc dĩ tôi trở thành người tư vấn. Tôi thường xuyên trò chuyện và động viên cùng các em. Nhiều khi, tôi còn xin cả số điện thoại của phụ huynh để trao đổi nữa.
Tháng trước, tôi từng chứng kiến cảnh một học sinh bị trầm cảm vì buồn chán. Em bảo giờ không muốn sống nữa. Em sợ ba mẹ mình quá rồi. Lúc nào, ba mẹ em cũng mong muốn em phải học thật giỏi. Nhất định phải là học giỏi. Họ không tiếc tiền để đầu tư cho em. Khổ nỗi, sức học của em có hạn. Dù cố gắng hết sức nhưng em chỉ đạt loại khá. Thế là ba mẹ cứ chì chiết em cả ngày.
Đỉnh điểm nhất là đợt thi giữa học kì 2 vừa rồi. Mẹ em khóc lóc suốt ngày về việc em không biết thương ba mẹ. Cha mẹ thì làm bạc mặt mới kiếm được đồng tiền. Rồi thì ba mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để mong con cái sau này có một tương lai tươi sáng. Vậy mà, con thì chẳng biết thương ba mẹ gì cả…Cuối cùng, quá áp lực, em bị trầm cảm phải nhập viện để điều trị.
Thực ra, tôi biết cha mẹ nào chẳng thương con. Con cái luôn là động lực chính để họ cố gắng, phấn đấu hết mình. Chỉ có điều, cách thương con ở mỗi người lại khác nhau. Người thương con bằng tình yêu hiện có. Lúc nào, họ cũng thủ thỉ, vỗ về con với những lời yêu thương.
Ngược lại có người khó tính nhưng lại hy sinh hết mình vì các con. Họ lăn lộn kiếm tiền để mong con cái sau này có cuộc sống an nhàn. …Không ít người còn nhịn ăn, nhịn mặc để đầu tư chuyện tương lai cho các con. Vì thế khi con cái không được như ý mình, họ bực bội rồi trút mọi tức giận lên đầu các con.
Lúc trước, bản thân tôi cũng thế. Tôi thương con theo kiểu của riêng mình. Lúc nào, tôi cũng mong muốn sau này con có cuộc sống tốt hơn hẳn ba mẹ chúng. Hai vợ chồng tôi cũng nhịn ăn, nhịn mặc để đầu tư chuyện học hành cho các con. Chúng tôi chẳng tiếc tiền để đầu tư cho con thầy giỏi, trường tốt. Để có tiền, chúng tôi phải làm thêm suốt ngày. Vì thế mà thời gian dành cho con cũng chẳng còn.
Nhiều khi tôi rất hay cáu với chúng. Lúc nào tôi cũng rầy la con về chuyện học hành. Chỉ đến khi tôi đọc được nhật kí của con thì tôi mới giật mình ân hận nhận ra sự vô tâm của mình. Thật may, tôi đã kịp sửa mình đúng lúc.
Thực ra, phụ huynh chúng ta thường tự làm khổ mình. Chúng ta thường đặt quá nhiều sự kì vọng vào các con nên mới thế. Lúc nào chúng ta cũng mong muốn con cái phải học hành xuất sắc. Nhất định phải xuất sắc. Mai này các con phải học ở những trường top…Ra trường các con phải kiếm được nhiều tiền. Khổ nỗi, đâu phải đứa trẻ nào cũng là thần đồng. Khi việc học hành của con cái không đúng như ý muốn, phụ huynh vội quay sang chì chiết con. Cuối cùng là mình khổ, con cũng khổ theo.
Một mùa thi nữa lại về rồi. Mong sao tất cả các bậc phụ huynh chúng ta đừng gây sức ép cho các con. Hãy là người bạn đồng hành của chúng. Hãy để các con thật vui vẻ, tự tin với sức học của mình phụ huynh nhé.
Loát Trần/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/con-co-don-lam-co-oi-20220503065959676.htm