Cô Đàm Lê Đức, bà giáo già nổi tiếng với clip giảng dạy về đạo đức thu hút hàng triệu lượt xem vừa qua đời ở tuổi 91.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ cho biết, trưa ngày 6/5, trái tim của nhà giáo Đàm Lê Đức, một trong sáu nhân vật của cuốn tranh truyện song ngữ "Tuổi Thơ Tấm Gương Việt" đã ngừng đập.
Bà giáo Đàm Lê Đức với những bài giảng đạo đức triệu view (Ảnh: GĐCC).
Từng trải qua nhiều kỷ niệm với cô Đức, cô giáo Nguyễn Khánh Dương, nguyên giáo viên Trường THCS Trường Chinh, Tân Bình, TPHCM chia sẻ, khi cô mới ra trường cách đây đã hai mươi năm, vào một ngày mưa tầm tã, trên chiếc Chaly, cô giáo trẻ một mình lao hun hút trên đường tìm nơi dạy thêm kiếm thu nhập. Giữa bao cái lắc đầu các trường quốc tế, dân lập.... cô Đức đã cho cô bến đỗ bởi thấy ở cô "lửa" với nghề.
Cô Khánh Dương trải lòng: "Thuở gia đình con cơ hàn, lương giáo viên trường công mới ra trường của con 450.000 đồng tháng, cô đã cho con cơ hội dạy ở trung tâm lớn 55.000 đồng/ tiết. Cô cho con ứng lương 50 triệu đồng để trang trải nợ nần của những năm học Thạc sĩ.
Cô cho con dạy những tiết Đức dục cảm được lòng trẻ thơ, rồi con răn mình không được hư đi. Cô cho con thăng hoa với nghề... Cô cho con niềm tin vào sự tự tế của cuộc đời. Cô cho con… Cô chỉ toàn cho thôi, con xấu hổ khi chưa hồi đáp cô điều gì!".
Từng giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, sau khi về hưu, "máu" nhà giáo trong cô vẫn không ngừng chảy, cô không thể nào quên được viên phấn, bục giảng. Với thôi thúc đó, cô cùng những anh chị em ruột của mình đã sáng lập Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, nơi rèn đức luyện tài cho hàng triệu các thế hệ học sinh tại TPHCM. Tiếp đó, vào năm 2010 cô cũng là một trong những sáng lập viên Trường THCS - THPT Đức Trí.
Trong hành trình quản lý và dạy học cô nhất quán đi theo một con đường là "Đức - Trí song hành" với tâm niệm đức năng sinh tài trí và tài trí hoàn thiện đạo đức con người.
Với nghề giáo, cô Đàm Lê Đức tâm niệm đây một sứ mạng với trọng trách cao cả để dìu dắt học sinh, mở rộng tầm nhìn, đánh thức tâm hồn, định hướng tương lai, giúp các em hoàn thiện về trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.
Chọn nghề giáo là chấp nhận hy sinh, đánh đổi nên đừng đồng lương bạc bẽo mà trượt dài trên bục giảng. Bởi điều đó có thể làm hỏng thế hệ mai sau.
Ở tuổi gần 90, cô Đức vẫn đứng lớp giảng những bài học về đạo đức cho học sinh và cả phụ huynh. Cách đây không lâu, clip ngắn ghi lại một phần tiết học đạo đức, đạo hiếu của cô về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ với con cái thu hút hơn hàng triệu lượt xem.
Cách cô giảng bài luôn nhẹ nhàng, chân thành không hô hào, sáo rỗng.
Nhiều tiết giảng của cô Đức cho dành cho phụ huynh làm nhiều ông bố bà mẹ vỡ òa trong hành trình làm cha mẹ của mình. Đó có thể là việc cha mẹ lao vào kiếm tiền bỏ quên cảm xúc, tâm tư của con cái; đó có thể là cha mẹ thiếu sự quan tâm, chia sẻ với con; đó có thể là bố mẹ không biết con trẻ thèm một bữa cơm gia đình, đó cũng có thể là cha mẹ đánh mất niềm tin ở con...
Bà giáo Đàm Lê Đức trong một buổi nói chuyện với phụ huynh (Ảnh: HN).
Để gắn kết phụ huynh và con trẻ, năm 2006, cô Đức thành lập CLB Cha mẹ học sinh để làm cầu nối với hàng loạt các buổi sinh hoạt chuyên đề về dạy con với sự tham gia của hàng chục ngàn phụ huynh.
Nhà giáo Đàm Lê Đức từng chia sẻ với Dân trí, bố mẹ phải là những người không ngừng học, phải là những nhà giáo dục thật sự nếu muốn con nên người, có ích. Đó cũng chính là điều cô rèn mình nên cô vẫn giảng dạy, lên lớp ở tuổi đã gần 90, khi còn đi lại được. Bởi với cô, một ngày nếu không học, không làm được điều gì mới mẻ, hữu ích để ghi vào sổ cuộc đời ngày đó đã trôi qua vô ích.
Hoài Nam/dantri.com.vn