Ngày 10/5, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về: "Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập".
Hội nghị được tổ chức để tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ phát động phong trào thi đua thúc đẩy việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong cả nước, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tham dự hội nghị có Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TƯ Phạm Huy Giang; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh... và đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Văn phòng TƯ Đảng, các bộ, ban, ngành.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị).
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các chỉ tiêu mang tính cách mạng cao.
Để thực hiện chỉ tiêu này, Trung ương đề ra 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Thứ 2 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng được nguồn nhân lực này. Thứ 3 là phát triển cơ sở hạ tầng. Như vậy, trong 3 đột phá chiến lược có một đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (Ảnh: Hữu Nghị).
Từ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã có nhiều chương trình hành động, nhiều văn bản ra thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Cụ thể, Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (tháng 5/2019); Quyết định 489 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mà Ban Bí thư giao trong lĩnh vực khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định 1373 của Thủ tướng về phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2030.
Mới đây là Chỉ thị 19 của Thủ tướng về phát động các phong trào thi đua, thực hiện các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra trong bối cảnh mới, trong đó có thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
"Hôm nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo bàn luận để làm thế nào triển khai tất cả những văn bản ấy thành thực tiễn", GS Doan nói.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, kể từ khi Bác Hồ phát động phong trào thi đua ái quốc diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, sau 74 năm, đến nay chúng ta mới lại bàn để có một cuộc thi đua mang tính chất quốc gia về vấn đề học tập của toàn dân trong bối cảnh "diệt giặc dốt thời đại 4.0".
Đại biểu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị).
"Tư tưởng của Bác luôn luôn đúng. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình ra. Đó là lời dạy của Bác từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đã đến lúc tất cả chúng ta, những Bộ ban ngành có liên quan họp để bàn làm cách nào thực hiện được Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, phát động phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", GS Doan chia sẻ.
GS Doan nhấn mạnh, chúng ta đã có đủ cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn cần thiết để phát động một phong trào thi đua mang tính quốc gia được nhắc đến trong Chỉ thị 19, nhằm thúc đẩy sự học, tự học, học suốt đời và để cho công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của cả nước thành phong trào thi đua sôi nổi.
Sau Nghị quyết Trung ương 7, cả nước có phong trào thi đua tam nông. Sau Nghị quyết Trung ương 5 lại có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, sau Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và Nghị quyết 29 của Trung ương năm 2013 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến nay, chưa có một phong trào thi đua nào mang tính quốc gia.
Với riêng ngành giáo dục cũng có rất nhiều phong trào thi đua như "Hai tốt", "Chống gian lận trong thi cử" hay mới đây nhất là phong trào "Toàn ngành thi đua phòng chống Covid-19", nhưng cũng mới chỉ nằm trong hệ thống ngành giáo dục. Hội khuyến học Việt Nam qua 26 năm xây dựng và trưởng thành cũng phát động phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhưng chỉ nằm trong nội bộ Hội, chưa mang quy mô quốc gia.
Bởi vậy, thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã tổ chức hội nghị, họp với các ban ngành có liên quan để bàn và tham mưu với Chính phủ phát động một phong trào thi đua mang tầm quốc gia.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 5 vấn đề chính, gồm: sự cần thiết của việc phát động phong trào thi đua mang tính quốc gia về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thảo luận về tên phong trào; thảo luận về nội dung phong trào; ai phát động; phát động vào thời gian nào.
Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị).
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và rất đồng tình ủng hộ phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bởi đây là một vấn đề có ý nghĩa vô cùng to lớn để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức (chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ trong các cơ sở giáo dục) trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào học tập suốt đời để xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác.
Theo đó, dự kiến phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Nếu thực hiện được cuộc thi đua này, chắc chắn trình độ của nhân dân sẽ được nâng lên, trí tuệ phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được bồi đắp và năng suất lao động sẽ nâng cao, lợi ích mang lại rất lớn.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn