Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 tại thành phố. Theo dự thảo này, dự kiến từ năm học mới, học phí bậc học mầm non và phổ thông sẽ tăng từ 100.000-240.000 đồng/tháng tùy bậc học.
Mức sàn thấp nhất
Theo dự thảo mà Sở GD-ĐT TP HCM đang lấy ý kiến, bắt đầu từ năm học 2022-2023, mức học phí mới ở bậc nhà trẻ thuộc nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh (HS)/tháng (tăng 100.000 đồng so với mức thu cũ), nhóm 2 là 120.000 đồng/HS/tháng, mức thu này giữ nguyên. Mẫu giáo nhóm 1 là 300.000 đồng/HS/tháng (tăng 140.000 đồng) và nhóm 2 là 100.000 đồng (giữ nguyên). Bậc tiểu học không thu. Bậc THCS ở nhóm 1 là 300.000 đồng/HS/tháng (tăng 240.000 đồng), nhóm 2 là 100.000 đồng /HS/tháng (tăng 70.000 đồng). THPT nhóm 1 là 300.000 đồng/HS/tháng (tăng 180.000 đồng) và nhóm 2 là 200.000 đồng/HS/tháng (tăng 100.000 đồng). Trong đó, nhóm 1 là HS học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và nhóm 2 là HS học tại các trường thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức thu học phí dự kiến bắt đầu từ năm học 2022-2023 mà TP HCM đề xuất là mức sàn (mức thấp nhất) theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 28-1-2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 10-2021.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP HCM, so sánh mức chênh lệch của khung mức thu năm 2022-2023 đề xuất so với mức thu trước đây, sở nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học. Có phát sinh chênh lệch mức thu học phí giữa các địa bàn quận nội thành và các huyện nội thành do các năm trước đây, TP HCM luôn duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong suốt 6 năm nay nhằm bảo đảm mức sàn theo đúng quy định của Nghị định 81/2021.
Trao đổi với phóng viên, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, cho biết TP HCM là địa phương quan tâm tốt đến GD-ĐT, tỉ lệ đầu tư ngân sách chi thường xuyên hằng năm hơn 20% nhưng vẫn chỉ bảo đảm cơ bản chế độ cho đội ngũ, còn tỉ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, đòi hỏi phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay. Việc giữ bình ổn học phí như nhiều năm qua là rất khó.
Học phí tăng sẽ giúp trường học có thêm chi phí hỗ trợ hoạt động dạy học. Ảnh: TẤN THẠNH
Ngân sách nhà nước vẫn là chủ yếu
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP HCM, trong các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện còn hạn về tài chính, học phí là nguồn bổ sung tài chính quan trọng, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa nhà nước, xã hội và người học để chi phí dạy và học ở các trường đạt mức cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngoài ra, để giảm tác động đến xã hội và người học do tăng học phí, không làm ảnh hưởng đến đời sống của các bộ phận người dân có thu nhập thấp, TP HCM luôn bảo đảm và đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí theo đúng quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP và xây dựng các chính sách miễn, giảm và hỗ trợ đặc thù khác của thành phố. Việc xây dựng mức học phí mới đã góp phần thực hiện tốt hơn trong giáo dục, bảo đảm sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình, người học và điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách, tạo sự bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội. Huy động sức dân cùng với nhà nước chăm lo sự nghiệp GD-ĐT và thực hiện chế độ miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho HS, sinh viên.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 5 cho biết mức học phí tại TP HCM đã duy trì bình ổn suốt 6 năm qua, dù trong giai đoạn đó biến động giá cả các dịch vụ, lĩnh vực đã xảy ra rất nhiều. "Công tác xã hội hóa, sự tham gia hỗ trợ của phụ huynh được các trường đẩy mạnh nhưng rõ ràng những nguồn này luôn phập phù. Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ nguyên mức học phí trong khi mong muốn chất lượng GD-ĐT đi lên sẽ rất khó bởi hoạt động nào trong trường học cũng phải cần kinh phí" - vị này nói.
Giám sát thu - chi
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng nếu TP HCM dự kiến tăng học phí thì nên đi kèm với quá trình giám sát thu - chi ở trường chặt chẽ và hiệu quả, không để xảy ra các khoản "phụ phí" còn cao hơn học phí. "Dù năm nào ngành GD-ĐT cũng nghiêm cấm lạm thu nhưng thực tế bằng cách này hay cách khác, nhiều đơn vị vẫn "đẻ" ra những khoản phụ phí khác. Vì thế, cần một cơ chế giám sát cũng như xử lý nghiêm nếu trường hợp nào lạm thu dù học phí đã tăng" - giáo viên một trường THCS tại quận 1 bày tỏ.
Đặng Trinh/nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/kho-giu-binh-on-hoc-phi-pho-thong-20220515205725288.htm