Nhiều trường đại học trên cả nước áp dụng khung học phí mới từ năm học 2022-2023, có những ngành học tăng từ 12-13 triệu đồng so với năm học trước.
Tại miền Bắc, theo đề án tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 như sau: năm học 2022-2023: 4,2 triệu đồng/tháng (tương đương 42 triệu đồng/năm). Năm học 2023-2024: 4,4 triệu đồng/tháng (tương đương 44 triệu đồng/năm). Năm học 2024-2025: 4,6 triệu đồng/tháng (tương đương 46 triệu đồng đồng/năm). Năm học 2025-2026: 4,8 triệu đồng/tháng (tương đương 48 triệu đồng/năm).
Trong khi đó, mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2021 là 3,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 35 triệu đồng/năm. Như vậy, sinh viên khóa tuyển sinh năm 2022 sẽ phải đóng học phí năm đầu tiên cao hơn 7 triệu đồng so với sinh viên khóa trước. Với các năm học tiếp sau của khóa 2022, mỗi năm học phí tăng lên 2 triệu đồng so với năm đầu.
Thông báo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết, học phí dự kiến năm 2022 cho các ngành cũng tăng đáng kể so với năm 2021.
Cụ thể, trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí, các ngành khác hệ đại trà có học phí là 440.559 đồng/tín chỉ, tăng 164.559 đồng/tín chỉ so với khóa tuyển sinh 2021. Chương trình toàn khóa của các ngành này là 143 tín chỉ, như vậy với mức học phí mới, sinh viên cần nộp gần 63 triệu đồng cho toàn khoá học (tăng gần 23,5 triệu đồng so với năm trước).
Riêng hệ chất lượng cao, học phí năm 2022 dự kiến là 1.321.677 đồng/tín chỉ (tạm tính, chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh), tăng 550.477 đồng/tín chỉ so với học phí cho sinh viên hệ này năm 2021.
Học phí nhiều trường đại học tăng mạnh trong năm học 2022-2023.
Với Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhà trường cho biết, học phí năm 2022 dự kiến là 318.000 - 400.000 đồng/tín chỉ hệ đại học chính quy (tùy thuộc từng ngành đào tạo). Trong khi đó, năm 2021, học phí của trường chỉ dao động từ 300.000 - 310.000/tín chỉ (Các ngành Công tác xã hội; Quản trị kinh doanh; Giới và Phát triển; Luật; Luật kinh tế; Tâm lý học; Kinh tế; Xã hội học có mức học phí 300.000 đồng/tín chỉ. Các ngành Truyền thông đa phương tiện; Quản trị du lịch và lữ hành; Công nghệ thông tin có mức học phí 310.000 đồng/tín chỉ).
Tại miền Trung, trong thông tin tuyển sinh đại học năm 2022, cập nhật tháng 3 vừa qua, trường Đại học Luật - Đại học Huế cho hay năm học 2022 - 2023, học phí sẽ là 12,5 triệu đồng/năm/sinh viên. Mức tăng hàng năm (nếu có) không quá 20% so với mức học phí năm trước đó. Học phí áp dụng với sinh viên chính quy, thu theo quy định tại Nghị định 81/2021 đối với đơn vị tự chủ tài chính. Trước đó, năm 2021, mức học phí một năm cho cả 2 ngành Luật và Luật kinh tế của trường đều là 9,8 triệu đồng (như vậy năm 2022, học phí đã tăng 2,7 triệu đồng).
Với trường Đại học Kinh tế Nghệ An, học phí dự kiến cho sinh viên chính quy năm học 2022-2023 là 295.000/tín chỉ; lộ trình tăng học phí không quá 10%/năm học. So với năm 2021-2022, mức học phí đã tăng nhẹ (năm 2021, học phí của trường là 272.000 đồng/tín chỉ).
Tại miền Nam, theo đề án tuyển sinh năm 2022, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông tin, mức học phí cao nhất năm học 2022-2023 cho các ngành Y khoa, Dược học và Răng Hàm Mặt là gần 44,4 triệu đồng. So với năm học trước, học phí các ngành này đã tăng gần 12,4 triệu đồng. Các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế Công cộng có mức học phí năm 2022-2023 cao nhất là 41 triệu đồng; so với năm học 2021-2022 đã tăng 13 triệu đồng.
Lưu ý, học phí trên chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.
Nhà trường cho biết, đây là học phí dự kiến được áp dụng trong năm học 2022-2023 để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học. Trường sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ, phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.
Với Khoa Y, trường Đại học Quốc gia TP.HCM, học phí ngành Y khoa năm 2022 dự kiến là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm. Sinh viên ngành Răng Hàm Mặt đóng 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023. Các mức học phí này đã tăng đáng kể so với năm 2021 (ngành Y khoa 60 triệu đồng/năm, ngành Dược học 55 triệu đồng/năm, ngành Răng Hàm Mặt 88 triệu đồng/năm).
Tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, mức học phí theo nhóm ngành cho sinh viên đại học chính quy tập trung khóa 2022 khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học tăng mạnh so với giai đoạn trước. Theo đó, mức học phí dao động từ 16 đến 24 triệu đồng đối với hệ chuẩn, 60 triệu đồng đối với hệ chất lượng cao. Riêng các chương trình liên kết quốc tế sẽ có mức học phí dao động từ 45-82 triệu đồng/năm học. Trước khi theo cơ chế tự chủ, học phí bậc đại học chương trình chuẩn của trường trung bình khoảng 10 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM, học phí dự kiến cho sinh viên hệ chính quy năm 2022-2023 là 29 triệu đồng/năm học; chương trình tiên tiến là 45 triệu đồng/năm học; chương trình liên kết là 80 triệu đồng/năm học. Trong các năm học 2023-2024, 2024-2025 và 2025-2026, học phí dự kiến hệ chính quy lần lượt tăng lên tới mức 33 triệu đồng, 37 triệu đồng và 42 triệu đồng. Trong khi đó ở năm học 2021-2022, học phí hệ chính quy chỉ là 25 triệu đồng/năm.
Với trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, theo đề án tuyển sinh năm 2022, học phí đại học hệ đại trà là 19,5 - 21,5 triệu đồng/năm; chất lượng cao tiếng Việt: 30 - 32 triệu đồng/năm; chất lượng cao tiếng Anh: 34-35 triệu đồng/năm; lớp chất lượng cao Việt Nhật học như chương trình chất lượng cao tiếng Việt, thêm 50 tín chỉ tiếng Nhật có học phí 34 triệu đồng/năm. Riêng ngành Sư phạm tiếng Anh và Sư phạm công nghệ miễn học phí. So với năm 2021, học phí tất cả các hệ đào tạo của trường đều tăng khoảng 1-2 triệu đồng/năm học.
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng (trong khi đó năm học 2021-2022, con số này là từ 980.000 đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng).
Mức trần học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 cao nhất ở khối ngành Y dược và thấp nhất ở các khối ngành: Nghệ thuật, Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Du lịch, Khách sạn, Thể dục Thể thao, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn