"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu năm nay sách giáo khoa tăng giá gấp 2-3 lần, năm sau lại tăng tiếp 2-3 lần vì thả nổi theo quy luật thị trường?", phụ huynh đặt câu hỏi.
Ngày 25/5, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn lý giải về việc giá sách giáo khoa (SGK) tăng gấp 2-3 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rằng, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất "ráo riết" để giá SGK giảm 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lý giải về việc giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần, đang được dư luận quan tâm (Ảnh: Quang Phong).
Theo ông Sơn, sở dĩ SGK theo chương trình cũ (từ trước năm 2016) rẻ hơn là vì trước đây Nhà nước đã bỏ tiền cho các khâu như biên soạn, thẩm định sách. Đặc biệt, sách theo chương trình cũ có khổ nhỏ hơn, giấy xấu hơn.
Trước lý giải của người đứng đầu ngành giáo dục, nhiều phụ huynh học sinh đã có ý kiến phản biện, trong đó có ý kiến cho rằng cần có sự công khai, minh bạch về giá thành sản xuất SGK một cách cụ thể để nhân dân được biết, tránh trục lợi, lợi ích nhóm; cũng có ý kiến chỉ ra thực tế là hiện nay SGK đang được đổi mới liên tục, không có tính kế thừa giữa các thế hệ học sinh, gây nên lãng phí xã hội, không phù hợp với gia đình kinh tế khó khăn…
Giá sách tăng do giá vật liệu tăng, năm sau có thể tăng gấp 2-3 lần nữa không?
Chia sẻ với Dân trí, phụ huynh L.T.Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) có hai con học cấp 1 và cấp 2 cho hay: "Tôi cho rằng sách giáo khoa nên là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước. Hiện nay, giá sách được quyết định theo thị trường thì việc giá tăng là không tránh khỏi. Tôi tự hỏi nếu lấy lý do quy luật thị trường thì lúc giá xăng, giá vật liệu giảm, liệu giá sách có giảm theo không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu năm nay SGK tăng giá gấp 2-3 lần, năm sau lại tăng tiếp 2-3 lần vì thả nổi theo quy luật thị trường?
Người chịu thiệt cuối cùng là các bậc phụ huynh, học sinh. Giá SGK tăng gấp 2-3 lần, chưa kể sách bồi dưỡng, tham khảo được "gợi ý", cùng với hàng loạt chi phí sinh hoạt tăng theo. Rõ ràng đó là một gánh nặng không hề nhỏ đối với các gia đình vào đầu năm học, làm giảm cơ hội được tiếp cận kiến thức đối với các em học sinh gia đình khó khăn".
Phụ huynh Trường cũng cho rằng việc nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng giấy hay hình thức thể hiện là cần thiết, nhưng ngành giáo dục nên có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp bởi SGK là mặt hàng "thiết yếu", bất cứ học sinh nào cũng phải mua.
Phụ huynh Nguyễn Châu Giang (Tả Thanh Oai, Hà Nội) có hai con đang học cấp 1 nhận xét rằng việc sử dụng chất lượng giấy tương tự như SGK cũ đã đủ đẹp, đủ dùng cho một năm học.
"Gia đình có điều kiện thì giá SGK này cũng bình thường, còn với gia đình khó khăn có hai con cũng hết gần 1 triệu tiền sách, quá tốn kém", chị Giang nói. "Nhà tôi có 2 cháu cách nhau 2 tuổi, dùng 2 đầu sách khác nhau do cải cách. Và dù sách của bạn lớn vẫn còn mới, chất lượng giấy in sách cũng vẫn dùng rất tốt, nhưng đành phải bỏ đi hoặc bán giấy vụn, bởi vì bạn nhỏ không thế dùng lại của anh chị. Như thế này, cải cách đã gây ra một sự lãng phí lớn trong xã hội. Trong khi đó nội dung cải cách còn chưa hoàn thiện, vừa học vừa sửa. Tôi vẫn thích chương trình học cũ hơn".
Phụ huynh Nguyễn Vinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có ý kiến: "Nếu giá SGK chỉ tăng do chất lượng giấy, mẫu mã mà ko do nội dung thì mức tăng nên hợp lý. Tăng gấp vài lần là không hợp lý. Bộ GD-ĐT nên có một số bộ SGK chuẩn, được phát triển bởi Nhà nước hoặc tổ chức phi lợi nhuận để có thước đo tối thiểu, tránh việc các doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng hàng triệu học sinh và gia đình. Đặc biệt, nên có một số bộ sách xây dựng theo hướng dùng lại được để tiết kiệm nguồn lực cho toàn xã hội".
Phụ huynh H.Lam (Nghệ An) có quan điểm khác. Chị Lam cho rằng, giá SGK hiện tại là hợp lý với điều kiện gia đình chị. "Giá bộ SGK mới dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng, tôi thấy không cao. Tôi mua cho con một cuốn truyện đã hơn 300.000 đồng rồi.
Con tôi học lớp 3. Vào năm học cô chủ nhiệm hỏi ai đăng ký mua sách thì tôi đăng ký, chứ cũng không biết có những cuốn gì. Cuối năm kiểm tra lại thấy có những cuốn con còn chưa mở trang nào, ví dụ như cuốn Văn hóa giao thông chẳng hạn. Tôi nghĩ giờ trẻ con ưa cái đẹp, sách vở cũng vậy. Tôi ủng hộ in sách đẹp cho học sinh. Cái quan trọng là nội dung kiến thức truyền tải trong mỗi bài học và quan trọng là biên soạn sách sát với thực tế, đừng để có quá nhiều sạn như hiện nay", chị Lam nói.
Sách giáo khoa thay đổi liên tục theo năm, nhiều đầu sách, chất lượng chưa hoàn thiện và giá thành tăng gấp 2-3 lần so với trước đây (Ảnh: Mỹ Hà).
Chất lượng giáo dục có được quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt không?
Bình luận về bài viết "Bộ trưởng GD-ĐT lý giải vì sao sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần" trên báo Dân trí, độc giả Vu Minh Ngoc viết: "Sách cấp tiểu học có quyển mua về thời gian dùng tính trên đầu ngón tay, gần như gọi là có dùng để bán được sách khỏi bị phụ huynh kêu ca phàn nàn. Ngày xưa SGK có tính kế thừa, giờ sách học năm nào vứt năm đó vì các con làm bài trực tiếp lên các quyển sách đó. Quá lãng phí cho cha mẹ học sinh. Mà in giấy thì trắng hơn được một tí nhưng mỏng, màu mè lòe loẹt khiến đội giá lên.
Hai năm cải cách vừa rồi tôi mua sách Cánh Diều lớp 1, 2 cho con, còn đắt hơn cả sách cho lớp 8, 9. Học sinh không cần đến chất liệu giấy quá bóng bẩy, chỉ cần đủ dày và dai là đủ, sách bóng quá đọc rất nhanh mỏi mắt".
Độc giả Đỗ Đức Trung nêu: "Năm nào cũng đổi mới, năm sau không dùng được sách năm trước thì dùng giấy đẹp làm gì?".
Độc giả Ve Quy Thang đặt câu hỏi: "Chất lượng giáo dục có được quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt không?".
Độc giả Minh Trần cho hay: "Hồi xưa khi học cấp 1, sách của chị hai tôi học xong tới anh ba tôi, tiếp đó lại tới tôi".
Độc giả Thuyen Chu Van viết: "Ở Đức nơi chúng tôi đang sống, con gái tôi đang học lớp 2 vẫn dùng sách cũ của lớp trước là chủ yếu. Bên này họ giàu có hơn gấp nhiều lần nhưng họ vẫn tiết kiệm. Tôi thấy ở ta sách lớp 1 chỉ dùng một lần sau đó bỏ đi, thật lãng phí. Kiến thức ở lớp khởi đầu có gì mà mỗi năm cần phải thay đổi nội dung cho phù hợp? Dùng một năm bỏ đi nhưng bán đắt vì in đẹp, giấy tốt. Hóa ra họ in sách để kinh doanh kiếm tiền là chính?".
Độc giả Van Anh viết: "Tại sao việc học sinh học lại SGK của anh, chị... để lại như trước kia vừa tiết kiệm, vừa mang tính nhân bản, vừa rèn luyện đức tính giữ gìn cẩn thận của học sinh lại không được thực hiện? Giờ SGK được vẽ vào đó mà không trình bày vào vở viết để học sinh rèn luyện cách trình bày, học hết năm là vứt bỏ, vô cùng lãng phí và kém nhân văn. Tôi cho rằng đó hẳn là vì mục đích muốn bán được nhiều sách mới làm ra như vậy".
Theo dantri.com.vn