Thiếu giáo viên trầm trọng khắp nơi(*): Thiếu mà vẫn phải giảm biên chế

Thứ 5, 09.06.2022 | 14:39:19
716 lượt xem

Nghịch lý của việc thiếu giáo viên khắp cả nước hiện nay là dù thiếu vẫn phải giảm biên chế, đây là bài toán rất khó cho các địa phương

Tại tỉnh Bình Thuận, do tình trạng thừa giáo viên (GV), nên từ năm 2013 đến nay, tỉnh không còn tuyển biên chế GV bậc THPT, song song đó địa phương đang cố gắng giải quyết biên chế GV vượt định mức đối với bậc học này.

10 năm không tuyển mới giáo viên bậc THPT

Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Thuận, từ năm 2015, toàn tỉnh có đến 204 GV dôi dư so với biên chế được giao ở bậc THPT. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT phối hợp rà soát, lên lộ trình bố trí số GV dôi dư. Tháng 7-2015, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn về việc điều chuyển GV bậc THPT với mục đích cân đối đội ngũ GV trong toàn ngành, bảo đảm đúng định mức, chỉ tiêu, cơ cấu và số lượng biên chế được giao.

Ngay sau đó, chủ trương điều chuyển GV tại Bình Thuận được triển khai với thời hạn biệt phái là 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ. Hết thời gian biệt phái, GV được trở lại trường cũ để công tác. Nhờ chính sách mà đến năm học này, tỉnh Bình Thuận chỉ còn 31 GV dôi dư.

"Từ giai đoạn năm 2007 - 2017, số học sinh THPT giảm đến 10.500 em, điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng dôi dư GV. Chúng tôi đặt mục tiêu năm học tới sẽ cố gắng giải quyết xong số biên chế dôi dư này. Hiện nay dù GV dôi dư so với biên chế được giao ở bậc THPT được giải quyết cơ bản, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ. Đó là việc thừa GV môn học này nhưng lại rất thiếu ở môn học khác. Đơn cử hiện tại một số bộ môn như tiếng Anh, sinh học còn thiếu nhiều GV nhưng một số bộ môn khác lại rất thừa GV" - ông Phan Đoàn Thái nói.

THIẾU GIÁO VIÊN TRẦM TRỌNG KHẮP NƠI (*): Thiếu mà vẫn phải giảm biên chế - Ảnh 1.

TP HCM đang kiến nghị cơ chế đặc thù để Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên. Trong ảnh: Sinh viên nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh vẫn còn thiếu hơn 1.000 GV trường công lập. Trong khi đó, năm 2022, ngành giáo dục công lập tỉnh Đắk Lắk dự kiến thực hiện tinh giản biên chế hơn 400 GV theo quy định.

Để bảo đảm biên chế GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đề xuất và kiến nghị không cắt giảm số lượng người làm việc đối với sự nghiệp giáo dục công lập. Bên cạnh đó, đối với bậc tiểu học cần bổ sung kịp thời số lượng biên chế đối với đội ngũ GV tiếng Anh và tin học. Đối với mỗi bậc học, cấp học, bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo đúng định mức quy định.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết tại rất nhiều buổi làm việc, tỉnh đã có báo cáo với Bộ Nội vụ xin bổ sung biên chế GV. Bộ Nội vụ cũng đang trình Chính phủ bổ sung biên chế GV cho các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa thấy thông báo. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng trả lời cho tỉnh rằng vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế viên chức trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, trong năm 2022, tỉnh Đắk Lắk sẽ tinh giản tổng cộng hơn 400 biên chế. Đây là bài toán khó cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng không có điều kiện thực hiện xã hội hóa giáo dục.

"Hiện nay, bậc mầm non ở vùng sâu, vùng xa thiếu biên chế nên việc huy động trẻ em đến trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phổ thông mới đối với bậc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày nhưng một số địa bàn thiếu GV nên nên chưa thực hiện đồng bộ được" - ông Khoa cho biết thêm.

Các thành phố lớn đôn đáo tìm giáo viên

Không chỉ các tỉnh mà ngay tại các thành phố lớn, tình trạng thiếu GV cũng là vấn đề nan giải cho năm học mới. Nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, Trường THPT Việt Đức chưa thể có được đội ngũ dạy âm nhạc và mỹ thuật. Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, việc dạy tổ hợp các môn nghệ thuật sẽ được nhà trường thực hiện khi sắp xếp được GV trong năm học tiếp theo. Với lý do tương tự, Trường THPT Phan Huy Chú cũng không tổ chức dạy học môn nghệ thuật trong chương trình học chính khóa năm học 2022-2023.

Hiện tại, TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu GV ở nhiều trường. Điển hình, tại quận Cẩm Lệ, Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa hiện chỉ có 78/85 GV theo kế hoạch biên chế; Trường Tiểu học Trần Văn Dư hiện chỉ có 52 GV, thiếu 6 GV. Quận Liên Chiểu cũng xảy ra tình trạng thiếu GV và phòng học. Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho hay hiện UBND các quận, huyện cũng như Sở GD-ĐT đã có kế hoạch tuyển dụng trong năm 2022 để giải quyết vấn đề thiếu GV trên địa bàn. Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết hiện sở này đang tổng hợp và rà soát để nắm số lượng GV thiếu tại các trường nhằm có kế hoạch tuyển dụng cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thành phố thiếu GV dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt ở một số môn học hoàn toàn không có GV. Cũng theo ông Hiếu, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc THPT có 2 tiết mỹ thuật, âm nhạc mỗi tuần. Tuy nhiên, hiện nay TP HCM không có GV giảng dạy các môn này. Hiện chỉ có các trường THCS có giáo viên nhạc, họa, các trường THPT hầu như không có. Việc thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật bậc THPT xuất phát từ việc các trường đại học chưa đào tạo ngành này cho bậc THPT.

Ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện các trường đang rà soát, lập kế hoạch và nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị để gửi về sở. Từ đó, sở sẽ có cơ sở đề ra kế hoạch tuyển dụng, dự kiến trong 2 tháng 7 và 8. Theo ông Lộc, hiện nay công tác tuyển dụng GV có thuận lợi hơn là đã bỏ quy định về hộ khẩu, Sở GD-ĐT TP cũng đã có kế hoạch hợp tác với 2 trường là ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP HCM để đào tạo, bồi dưỡng GV, bảo đảm sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các môn học. 

Kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù để tuyển dụng giáo viên

Để khắc phục những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD-ĐT TP HCM đã kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù về tuyển dụng. Cụ thể, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Đối với các GV môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.

Trong đề xuất, kiến nghị của TP HCM với Bộ GD-ĐT cũng có kiến nghị Bộ GD-ĐT hướng dẫn, xem xét cho phép Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo GV đặc thù như: tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để đào tạo các GV phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố. Cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như: tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình ngoại ngữ 2, Chương trình giáo dục phổ thông mới...

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-6


Nhóm Phóng viên/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thieu-giao-vien-tram-trong-khap-noi-thieu-ma-van-phai-giam-bien-che-20220608201358373.htm

  • Từ khóa