Nếu các thầy cô chưa thật tâm huyết, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm; chưa quyết tâm đổi mới thì mãi mãi Lịch sử vẫn là môn học sinh không yêu thích, dù bắt buộc hay là tự chọn.
Ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, Đại biểu Quốc hội liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT. Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, từ đó đề xuất phương án phù hợp.
Ngày 3/6, tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh những vướng mắc, tranh luận về học môn Lịch sử hiện nay cần được các cơ quan chuyên môn trao đổi, thống nhất, tìm ra cách tốt nhất, tinh thần là quan tâm đến vị thế, vị trí của môn Lịch sử. Chủ tịch nước yêu cầu, cần đổi mới phương pháp học tập môn Lịch sử hơn nữa trong nhà trường và trong cộng đồng xã hội, để mỗi người dân đều hiểu rõ về gốc tích của mình, về truyền thống dân tộc,…
Những chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ thời điểm này đã phần nào khẳng định vị trí, tầm quan trọng của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục, sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc đưa Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT.
Theo các chuyên gia, sở dĩ có tranh luận Lịch sử nên là môn lựa chọn hay bắt buộc đến từ thực tế: một bộ phận không nhỏ học sinh chưa yêu thích, thậm chí "sợ" môn học này. Bởi vậy, đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) để có nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Lịch sử là môn học rất hay, rất hấp dẫn nhưng vì sao học sinh không yêu thích?
Thưa PGS.TS Trần Huy Liệu, ông đánh giá những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về chương trình giáo dục môn Lịch sử có ý nghĩa như thế nào ở thời điểm này?
- Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng như ý kiến trước đó từ Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã cho thấy rằng, chúng ta phải đặt vị trí của môn Lịch sử rất quan trọng trong chương trình giáo dục.
Theo tôi, đây là những chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, phù hợp cả với giai đoạn trước đây và giai đoạn hiện nay. Nếu chúng ta đặt môn Lịch sử "đúng, trúng" thì vị trí, vai trò của nó sẽ được xã hội ghi nhận và sẽ có những tác dụng rất tích cực; mang yếu tố quyết định đến việc bồi đắp niềm tự hào dân tộc, vun bồi tình yêu quê hương đất nước, nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, sự chỉ đạo này cũng khiến các tổ chức, các cơ sở giáo dục, nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo phải xác định lại vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với môn Lịch sử. Mỗi người thầy, người cô cần phải tự hỏi là vì sao chúng ta dạy môn Lịch sử, chuyên tâm với môn Lịch sử nhưng học trò chưa thích lắm, không thích lắm hoặc thậm chí là hoàn toàn không thích?
Ý kiến chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng định hướng cho xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, trong đó có giáo dục môn Lịch sử. Bởi chỉ riêng sự cố gắng của thầy cô giáo, nhà trường hay của gia đình là chưa đủ. Thay vào đó, toàn xã hội phải chung tay, "đồng tâm hợp lực" mới có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó có giáo dục môn Lịch sử.
Ông đánh giá chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các nhà trường hiện nay như thế nào?
- Thời gian vừa qua, chất lượng giáo dục nói chung, môn Lịch sử nói riêng đã được nâng lên đáng kể. Tôi nghĩ các thầy cô đã có rất nhiều cố gắng và cũng đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, là giai đoạn "đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, hội nhập quốc tế" thì những cố gắng đổi mới đó mới chỉ cần nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Chúng ta hiện vẫn chỉ thực hiện các giải pháp đơn lẻ ở tỉnh này, địa phương kia chứ chưa có một giải pháp mang tính đồng bộ cho cả nền giáo dục. Bởi vậy, kết quả đạt được cũng chỉ là bước đầu, vẫn còn rất nhỏ so với những điều chúng ta kỳ vọng và nhỏ so với những gì chúng ta phải đột phá.
Mức độ yêu thích môn Lịch sử của thế hệ trẻ, kết quả thi cử môn Sử qua các năm là thước đo rất rõ, cần nhìn vào đó để biết được chúng ta đã cố gắng đến đâu, chúng ta dạy sử thế nào. Chứ nếu cứ nói rằng chúng tôi dạy Sử hay lắm, tốt lắm, chúng tôi đã nỗ lực đổi mới phương pháp rồi, nhưng thực tế xã hội vẫn đánh giá môn Sử không cao, coi là môn phụ, học sinh vẫn sợ học Sử thì lỗi đó thuộc về đội ngũ thầy cô giáo, những nhà quản lý giáo dục.
Có một câu hỏi dư luận rất quan tâm và chính Chủ tịch nước cũng đặt ra trong cuộc gặp mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hôm 3/6 là "Tại sao nhiều thanh, thiếu niên chưa yêu thích môn Lịch sử?". Theo ông có những lý do nào dẫn đến thực trạng này?
Tôi cho rằng Lịch sử là môn học rất hay, rất hấp dẫn. Nhưng vì sao học sinh không yêu thích? Theo tôi, có một số lý do dưới đây.
Thứ nhất, chúng ta đã chưa đặt môn Sử vào đúng và trúng vị trí trong chương trình giáo dục. Lúc thì chúng ta cho là môn học bắt buộc, lúc lại cho là môn tự chọn. Lúc chúng ta gọi là môn chính, lúc lại gọi là môn phụ.
Thứ hai và là nguyên nhân quyết định chính là đội ngũ giáo viên. Cần nhìn vào thực tế xem thầy cô giáo đã tâm huyết với môn Sử mình đang giảng dạy chưa, đã đam mê ngành Sử của mình chưa? Thầy cô đã làm hết trách nhiệm chưa, đã tìm tòi những phương pháp mới để giảng dạy cho người học hay chưa? Nếu các thầy cô chưa đáp ứng đươc những câu hỏi trên thì mãi mãi môn Sử vẫn là môn học sinh không yêu thích, dù bắt buộc hay tự chọn.
Bởi vì đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định tới sự niềm hứng thú của học sinh. Thầy cô phải tâm huyết, đam mê, trách nhiệm, phải khơi nguồn cảm hứng, phải luôn đổi mới, phải có những phương pháp mới thì người học mới thích thú được. Giáo viên không thể mãi dạy theo những phương pháp giống với 10 năm trước, 20 năm trước.
Lứa học trò sinh năm 2000 khác với năm 2005, càng khác với lứa sinh năm 2007, 2008. Bây giờ xã hội đã thay đổi, các em chỉ cần truy cập internet là toàn bộ thông tin, tài liệu, hình ảnh của bài giảng đã có đủ, nếu thầy cô vẫn dạy như cách của 20 năm trước thì làm sao trò yêu thích được?
Xã hội đang tranh luận nhiều về việc Lịch sử nên là môn tự chọn hay môn bắt buộc, tôi thiết nghĩ các thầy cô giáo cũng cần suy nghĩ tới trách nhiệm của mình, đây mới là điều quan trọng, là gốc rễ của vấn đề.
Thứ ba, dù Lịch sử là khoa học cơ bản, có tính liên ngành và xuyên ngành cao, nhưng bản thân phụ huynh cũng chỉ coi đây là môn phụ, thậm chí có phần coi thường. Nhiều người cho rằng con mình học tốt môn này cũng được, không tốt cũng chẳng sao, cốt yếu là phải học giỏi Ngoại ngữ, Tin học, các kỹ năng,…
Thứ tư là tâm lý của học sinh. Đa số các em thích chạy theo những ngành nghề mang tính thời thượng như ngoại ngữ, ngoại thương, thương mại, ngân hàng,… Các em tư duy "thời nay không ai đi học Sử và sống được bằng Sử" nên chỉ chú trọng những môn phục vụ cho mục tiêu thi đỗ các ngành học mình mong muốn. Trong trường học cũng thiếu sự định hướng, tư vấn học sinh nên thi ban nào, ngành nào để phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng của các em và phù hợp với xu thế.
Thứ năm chính là sách giáo khoa. Gần đây, chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ. Với môn Lịch sử, theo tôi, cách viết sách giáo khoa phải thể hiện tốt được cốt truyện. Lịch sử là một câu chuyện diễn ra trong quá khứ, cần được kể lại đúng cốt chuyện nhưng phải nhẹ nhàng, hấp dẫn thì học trò mới yêu thích.
Như vậy, muốn môn Sử nói riêng và các môn khoa học nói chung hấp dẫn, phải có phương pháp tổng thể, từ cơ chế đến người thầy, phụ huynh, học sinh, giáo dục của nhà trường, sách giáo khoa. Nếu mỗi người một quan điểm, không có sự định hướng, thống nhất sẽ rất khó khăn.
Học sinh được đến Bảo tàng tìm hiểu về lịch sử (Ảnh: Internet).
Các thầy cô giáo phải quyết liệt đổi mới
Ông có giải pháp gì để đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử, giúp môn học quan trọng này trở nên hấp dẫn hơn, được học sinh yêu thích hơn?
- Giải pháp đầu tiên là các thầy cô giáo phải quyết liệt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp cả những phương pháp truyền thống và hiện đại, thậm chí đổi mới từng năm theo sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Ví dụ, thầy kể câu chuyện về lịch sử trên nền tảng công nghệ số, bằng các kỹ xảo 3D, 4D; dạy qua hình ảnh, các bộ phim hay các câu thơ. Bên cạnh đó, kết hợp giữa giảng dạy trên giảng đường với giảng dạy trong bảo tàng, phòng truyền thống và đặc biệt là trải nghiệm tại các di tích lịch sử mà sử gọi là phương pháp điền dã. Nếu học sinh biết di tích lịch sử này gắn với sự kiện nào, ý nghĩa lịch sử ra sao thì các em sẽ hiểu lịch sử hơn, nhớ lâu hơn, bồi dưỡng được niềm tin, lý tưởng, tình cảm và trách nhiệm. Việc đa dạng hóa phương pháp, kết hợp nhiều phương pháp trong giảng dạy, hay còn gọi là giảng dạy tích hợp, tôi nghĩ học sinh sẽ rất hứng thú, rất thích.
Để làm tốt điều này, nhà trường cũng cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tốt phục vụ giảng dạy. Bây giờ là thời đại công nghệ số, xã hội số, giáo dục số thì không thể chỉ dùng phấn trắng, bảng đen như trước để dạy môn Lịch sử.
Thực tế, khác với những môn như Toán học, thế mạnh của Lịch sử là rất dễ đổi mới trong phương pháp. Hình ảnh, phim ảnh để minh họa giảng dạy Lịch sử rất nhiều, cả tư liệu Việt Nam lẫn nước ngoài. Nếu dạy mà chỉ đơn thuần là kể lại câu chuyện, trình bày giản đơn các sự kiện thì không thể khiến người học yêu thích được.
Ngoài quyết liệt trong đổi mới về phương pháp, điều cần làm thứ hai là thầy cô phải biết khơi nguồn cảm hứng, truyền được cảm hứng về tinh thần của lịch sử, khí phách của lịch sử cho học sinh. Mạch nguồn của lịch sử phải được tuôn chảy từ thầy cô vào trò, các em đi học một buổi Lịch sử về phải thấy có hứng thú, niềm tin, khát vọng. Nếu phương pháp đã cũ, thầy cô lên lớp giảng lại buồn, thử hỏi làm sao học sinh không chán nản, mệt mỏi?
Khi chúng ta có phương pháp tốt, người thầy biết truyền cảm hứng thì tự bản thân học sinh sẽ vui, hứng thú để học. Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc hội đã nhấn mạnh rất rõ đến vai trò của người thầy, người cô, của nhà trường trong việc giảng dạy môn Lịch sử, nên chúng ta phải quyết liệt để đổi mới phương pháp. Ngay từ năm học này, các thầy cô giáo cần nhanh chóng thay đổi; xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới này.
Vậy làm thế nào để tất cả thầy cô có thể tiếp cận được những phương pháp mới và đưa vào giảng dạy hàng ngày, thưa ông?
- Muốn các giáo viên làm được, chúng ta phải có chuyên gia để tập huấn cho họ. Một giáo viên 30 tuổi có thể dễ dàng đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhưng một giáo viên trên 50 tuổi có khi khó hơn. Chưa kể, những thầy cô ở vùng khó khăn sẽ càng khó tiếp cận.
Chúng ta cần giúp họ, cần có các buổi tập huấn hàng năm để hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm. Ở các buổi này, những người đi trước, có tầm ảnh hưởng lớn, những chuyên gia từ cơ sở giáo dục chất lượng cao, những cán bộ tâm huyết với vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ về nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên. Tôi cho rằng Nhà nước nên đầu tư một khoản kinh phí cho việc tập huấn hàng năm để xây dựng, sử dụng những phương pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, người quản lý, thủ trưởng đứng đầu các nhà trường cũng phải tiên phong trong đổi mới và phải có tầm nhìn. Nếu lãnh đạo yêu cầu thầy cô đổi mới, nhưng bản thân anh không nhận thức được vấn đề, không có tư duy đổi mới sẽ rất khó. Chúng ta chậm hay nhanh là do người đứng đầu có chiến lược phát triển không.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, để theo kịp với công cuộc đổi mới, các cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên cũng phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Nếu các trường sư phạm vẫn dạy như cách đây 10 năm, 20 năm thì sinh viên khi ra trường, trở thành giáo viên, tất yếu sẽ không theo kịp được sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Về cách thức thi môn Lịch sử, theo ông có cần sự đổi mới như thế nào?
- Tôi cho rằng chuyện kiểm tra, đánh giá, ra đề thi với môn Lịch sử, chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm và có sự điều chỉnh.
Thay vì đưa ra các câu hỏi yêu cầu trình bày về sự kiện, ngày tháng, khẳng định một vấn đề "bất di bất dịch", có thể đưa vào đề thi những câu hỏi mở, cho học sinh đánh giá, nêu quan điểm, nhận thức về một sự kiện lịch sử đã diễn ra. Một đề thi mở sẽ kích thích được hứng thú, phát huy sự sáng tạo và khiến học trò thích thú hơn.
những kiến thức Lịch sử của chúng ta hiện mới chỉ đơn thuần được học ở trên trường lớp. Vì sao chúng ta không có những cuốn tiểu thuyết hay về lịch sử, những bộ phim dã sử hay để người xem hiểu hơn về lịch sử dân tộc? Phim ảnh là trực quan, có thể làm cho người ta nhớ được lâu. Những cuốn giáo trình, sách giáo khoa khó nhớ hơn rất nhiều.
Theo tôi, Nhà nước nên đầu tư thêm các kênh để hỗ trợ cho giáo dục nói chung và khoa học lịch sử nói riêng có những bộ phim, tác phẩm điện ảnh tốt.
Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Nguyễn Liên/dantri.com.vn