Nhân rộng kinh nghiệm trong bồi dưỡng giáo viên

Thứ 4, 15.06.2022 | 14:52:42
621 lượt xem

Quá trình triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2017 đến nay cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Những đội ngũ này đã được tiếp cận tổng thể, hệ thống với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quản trị trường học để triển khai thực hiện chương trình theo đúng chủ trương đổi mới.

Trong số 9 mô-đun tập huấn, đến hết năm 2021, các trường đại học sư phạm chủ chốt đã tổ chức bồi dưỡng 6 mô-đun cho hơn 31.000 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) cốt cán. 3 mô-đun còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, còn gần 520.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT đại trà đã hoàn thành 4/5 mô-đun bồi dưỡng. Dự kiến, đến giữa năm nay sẽ có 500.000 giáo viên, cán bộ hoàn thành toàn bộ 5 mô-đun theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhân rộng kinh nghiệm trong bồi dưỡng giáo viên
       Giáo viên Trường THCS Quang Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) tổ chức hoạt động STEM tại trường. 

Qua chương trình, giáo viên được trang bị những nội dung cốt lõi về sử dụng phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, xây dựng kế hoạch bài dạy, tư vấn hỗ trợ học tập, giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cán bộ quản lý được phát triển năng lực quản trị nhà trường theo hướng tiếp cận tiên tiến, kiến tạo môi trường giáo dục hướng tới chất lượng cao.

Qua việc triển khai bồi dưỡng của chương trình đã hình thành nên cộng đồng học tập, tự nâng cao năng lực thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ trực tuyến của đội ngũ cốt cán cùng giảng viên sư phạm chủ chốt trong suốt quá trình bồi dưỡng và cả khi giáo viên học xong, áp dụng vào thực tiễn. Bất cứ khó khăn gì trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, giáo viên đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm và đồng nghiệp.

Tại cuộc hội thảo với ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai về những tác động của các mô-đun bồi dưỡng đối với việc phát triển nghề nghiệp, triển khai chương trình GDPT mới, cô Trương Thị Trâm Anh, giáo viên Trường THCS Quang Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Sau khi học xong 5 mô-đun, những kiến thức mang lại rất thiết thực. Nguồn học liệu, phương pháp dạy học cũng rất linh hoạt".

Đánh giá cao việc chương trình ETEP dành một thời lượng lớn để hướng tới hình thành kỹ năng cho giáo viên, cô giáo Phạm Thị Nam, Trường THCS Tam Phước (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, muốn phát triển năng lực của học sinh thì giáo viên cũng phải nâng cao năng lực. Qua các mô-đun bồi dưỡng, giáo viên được thực hành tạo sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, sáng kiến dạy học với các đồng nghiệp ở khắp nơi. 

Nắm bắt tình hình triển khai tại cơ sở cũng như đánh giá tác động từ chương trình trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, TS Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban quản lý chương trình ETEP cho hay: Ban quản lý chương trình ETEP luôn tạo cơ hội để các cơ sở giáo dục chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt trong việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận những ý kiến, kinh nghiệm từ các trường đại học sư phạm, các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc triển khai công tác bồi dưỡng; đồng hành với các thầy, cô giáo vượt qua những thách thức trước yêu cầu đổi mới giáo dục.


MINH NGỌC/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhan-rong-kinh-nghiem-trong-boi-duong-giao-vien-697263

  • Từ khóa