Từ những bức tường đơn điệu, nhàm chán, qua bàn tay của những “họa sĩ” không chuyên tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã trở thành những bức tranh đầy màu sắc, gần gũi với thế giới trẻ thơ và được sử dụng hiệu quả trong hoạt động giáo dục.
Giáo viên Trường Mầm non xã Tân Tiến, huyện Tràng Định vẽ tranh tường
Có mặt tại Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn trong những ngày giữa tháng 5/2022. Chúng tôi ấn tượng bởi giờ kể chuyện của lớp 5 tuổi A2 và chứng kiến các em nhỏ chăm chú lắng nghe câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” qua giọng kể truyền cảm của cô giáo. Vừa kể, cô vừa chỉ vào bức tranh minh họa trên tường để trẻ có thể hình dung ra nhân vật và nội dung câu chuyện.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ ở lớp học này, kể chuyện dựa theo nội dung tranh tường là một trong những hoạt động giáo dục thường xuyên ở đây. Bà Nguyễn Thị Xuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi bức tranh tường đều gắn liền với nội dung giáo dục. Giáo viên có thể tận dụng tranh tường để làm minh họa cho các bài học. Chẳng hạn, khi kể chuyện cổ tích “Ăn khế trả vàng”, cô có thể đưa trẻ ra vị trí bức tranh “Ăn khế trả vàng” để trẻ thực hiện hoạt động đóng vai. Khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, cô có thể dẫn trẻ đến khu vực vẽ những hoạt động không nên làm để cho trẻ quan sát và căn dặn… Để lựa chọn được các bức tranh tường phù hợp, ban giám hiệu và các giáo viên đã trao đổi thống nhất nội dung, sau đó giáo viên vẽ hình ảnh sao cho phù hợp với nhóm độ tuổi, vị trí tường trong lớp học, ngoài sân hay tường rào bao quanh trường.
Còn tại Trường Mầm non xã Tân Tiến, huyện Tràng Định nhờ có khuôn viên rộng, Ban giám hiệu nhà trường đã cho vẽ các bức tranh trên tường bao quanh khuôn viên trường, tường trong và ngoài lớp học. Bà Nông Khánh Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Diện tích toàn trường là 4.113,3 m2. Mặc dù không có quy định cụ thể về kích thước vẽ tranh tường nhưng chúng tôi luôn lựa chọn vị trí vẽ tranh tường sao cho phù hợp và tận dụng tối đa từng vị trí có thể. Chẳng hạn, tại khu vực bếp ăn, các bức tranh sẽ liên quan đến chủ đề các nhóm thực phẩm, những điều nên và không nên làm trong khi ăn; ở khu vực hoạt động thể chất ngoài sân thì vẽ các bức tranh về các môn thể thao, vận động ngoài trời, trò chơi dân gian, chữ cái, chữ số…
Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 230 trường mầm non cũng thực hiện vẽ tranh trên tường lớp học, tường rào bao quanh khuôn viên trường… Những bức tranh tường thường là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với trẻ, phù hợp với sở thích và độ tuổi của trẻ và có màu sắc tươi sáng, nổi bật như: các nhân vật hoạt hình, thế giới động vật, phong cảnh, minh họa hình ảnh các câu chuyện cổ tích, gia đình… Không chỉ đem lại nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ mà các bức tranh tường còn hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục trẻ.
Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh học sinh lớp 5 tuổi A2, Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những bức tranh tường ở trường giúp con tôi có những trải nghiệm gần gũi và thú vị. Ví dụ như cầu thang đi lên lớp, ở sân trường đều có những chữ cái hay con số giúp con tôi vừa đi vừa có thể nhẩm lại kiến thức.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết những năm qua, hoạt động vẽ tranh tường xuất phát từ việc các trường mầm non trong tỉnh thực hiện kế hoạch xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn và xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, trong từng năm học, cùng với việc quan tâm đầu tư và sửa chữa cơ sở vật chất, trường, lớp học và những điều kiện về thiết bị phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ, trồng cây xanh thì các trường mầm non tích cực trang trí trường, lớp học bằng hoạt động vẽ tranh tường nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đối với trẻ.
Bà Nguyễn Ngọc, chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua theo dõi cho thấy những năm qua, 100% trường mầm non đã làm tốt công tác trang trí trường lớp, trong đó có vẽ tranh tường. Vài năm về trước, chỉ có những trường ở thành phố hoặc thị trấn mới thực hiện vẽ tranh tường thì 2 năm học gần đây, 100% trường đã triển khai hoạt động này. Người vẽ chủ yếu là giáo viên các trường, kinh phí mua bút, màu vẽ chủ yếu do các trường tự cân đối. Với những mặt tích cực đem lại cho công tác giáo dục, chúng tôi khuyến khích các trường mầm non thực hiện hoạt động vẽ tranh tường, vẽ mới những bức tranh đã cũ và lựa chọn nội dung phù hợp với chủ đề, chủ điểm giáo dục của từng năm học.
Thu Hiền/baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/509692-ho-tro-giang-day-bang-tranh-ve-tuong-tai-cac-truong-mam-non.html