Học sinh bị áp lực trước những kì vọng của các bậc phụ huynh, mang tâm lý "phải điểm thật cao". Nhiều em vào phòng thi là hoảng sợ dẫn đến việc không làm được bài, cả những câu dễ, những câu đã ôn.
Theo dữ liệu công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2022-2023 của Sở GD-ĐT TPHCM, có khoảng 93.000 bài đạt điểm dưới 5. Trong đó, môn toán có đến 41.477 môn tiếng Anh 41.599 trong tổng số khoảng 92.000 bài mỗi môn có điểm dưới 5. Môn văn khá khẩm hơn nhưng cũng có đến gần 10.000 bài có điểm dưới 5.
Thống kê điểm thi lớp 10 tại TPHCM.
Kết quả này phần nào phản ánh chưa có sự tương đồng giữa kỳ thi và kết quả học tập ở trên lớp. Ngay sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi lớp 10, không ít phụ huynh và học sinh, cả những em là học sinh giỏi 9 năm liền bị "sốc" với điểm thi quá thấp, có em chỉ đạt 12 - 14 điểm/3 môn, đứng trước ngưỡng không thể vào lớp 10 công lập.
Chênh vênh giữa "học" và "thi"
Nhìn vào kết quả này, nhiều người đánh giá kỳ thi phơi bày bệnh thành tích, lạm phát học sinh giỏi ở trường học không đúng với khả năng, năng lực thật của học trò.
Nhưng ý kiến của nhiều giáo viên, học sinh giỏi rớt lớp 10 không chỉ do bệnh thành tích mà còn nhiều yếu tố, trong đó có sự chênh vênh giữa "học" và "thi".
Mang trăn trở "Vì sao kết quả học tập ở trường THCS toàn 9, 10 điểm nhưng khi thi vào lớp 10 thì nhiều học sinh có mức điểm thấp gây sốc", thầy Lâm Vũ Công Chính giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM chia sẻ trước thực tế phân luồng, trước khi bắt đầu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì đã xác định 30% học sinh sẽ không được vào lớp 10 công lập. Do đó việc 1/3 học sinh có điểm dưới 15 điểm cũng không phải là điều khó hiểu.
Học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM năm 2022 (Ảnh: Hải Long).
Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình năm nay cũng xấp xỉ như mọi năm, từ khi Sở GD-ĐT TPHCM đổi mới ra đề theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh.
"Phân luồng là vấn đề lớn của giáo dục hiện nay, chúng ta cũng cần nhìn nhận không nhất thiết tỉ lệ học sinh làm bài thi phải cao mới là giáo dục thành công", thầy Chính nói.
Thầy Chính phân tích, tính chất của kỳ thi tuyển sinh 10 là thi tuyển, có tính phân hóa chứ không phải là kiểm tra trên lớp hay kiểm tra học kỳ. Các câu hỏi trong đề thi mang tính vận dụng thực tế khác với câu hỏi trong sách giáo khoa hiện hành. Bài thi tuyển sinh cũng chỉ làm một lần, học sinh giỏi vẫn có thể mắc lỗi khi làm bài.
Theo thầy Chính, muốn làm tốt bài thi tuyển sinh lớp 10, các em phải ôn luyện bên ngoài chương trình.
Tuy nhiên, ở trường thầy cô phải thực hiện theo chương trình sách giáo khoa, phải hoàn thành đúng phân phối thời gian, chứ không mở rộng theo hướng câu hỏi của đề tuyển sinh. Việc ôn thêm các câu hỏi trong đề thi TS 10 cũng chỉ mang tính hỗ trợ học sinh, không phải là yêu cầu bắt buộc. Trong khi đề thi tuyển sinh 10 lại chiếm 50% số câu hỏi là bài toán thực tế.
Về thực tế nhiều học sinh giỏi có điểm thi lớp 10 thấp "không tin nổi", thầy Vũ Lâm Công Chính cho rằng, cách đánh giá học sinh hiện nay thoáng hơn, cho học sinh nhiều cơ hội cải thiện điểm, phục vụ cho việc xét học bạ.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 học online kéo dài nên yêu cầu kiến thức cũng giảm, mức độ yêu cầu của đề kiểm tra dễ hơn… Cũng cần nhắc đến năm trước dùng phương án tuyển sinh bằng cách xét học bạ nên không ít giáo viên có thể có tâm lý lo xa, "nới tay" khi cho điểm ở trường.
Theo sát kỳ thi lớp 10, thầy Đặng Hoàng Dư, giáo viên Toán ở Gò Vấp, TPHCM cho rằng, nhiều em chủ quan khi kết quả học tập trên trường cao. Không ít học sinh nghĩ rằng học lực mình ổn và kiến thức hiện tại đủ dùng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Khi thi gặp đề lạ hoặc khác với trên trường, khác với nội dung là ôn tập một xíu là các em luống cuống ngay.
Theo thầy Đặng Hoàng Dư nhiều học sinh giỏi học rập khuôn, quen với việc học gì cho đó, ôn gì kiểm tra đó.
Theo thầy Dư, có thực tế học sinh học rập khuôn, quen với việc học gì cho đó, ôn gì kiểm tra đó nên các em đạt điểm cao từ giáo viên đứng lớp dẫn đến kết quả "học sinh giỏi". Với kết quả này, các em không thích ứng được với dạng đề thi đổi mới và cần một lượng kiến thức mới tư duy. Những gì không được học, được ôn trên lớp là học sinh không làm được.
Đó vừa là bệnh thành tích nhưng cũng phản ánh sự thiếu chủ động, thiếu tư duy trong học tập.
Phần nữa, học sinh bị áp lực trước những kì vọng của các bậc phụ huynh, mang tâm lý "phải điểm thật cao". Nhiều em vào phòng thi là hoảng sợ dẫn đến việc không làm được bài, cả những câu dễ, những câu đã ôn.
Cần điều chỉnh cách dạy học và ra đề thi?
Cô Võ Như Hoa, giáo viên dạy Văn ở TPHCM cho biết cô không ngạc nhiên việc học sinh giỏi đạt điểm thi lớp 10 thấp. Các trường gánh chỉ tiêu nên tỷ lệ học sinh giỏi mỗi năm một tăng.
Còn trên lớp, nhiều giáo viên dạy khuôn mẫu, môn Văn cứ theo mẫu của cô là đạt điểm cao chứ thật ra các em không có nhiều khả năng lập luận, tư duy... Học sinh có kết quả học thấp ở trường cũng chưa chắc đã là kém. Không chỉ học sinh mà chính giáo viên cũng không bắt nhịp kịp với cách ra đề thực tế của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Cần đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh ở trường học (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, cô Hoa trải lòng không phải không có những giáo viên dạy thêm "om bài" dạy bên ngoài, học sinh trên lớp không tiếp cận được nên khi đi thi sẽ khó khăn hơn.
Để đáp ứng được kỳ thi, theo cô Hoa, cần có sự thay đổi cách dạy học ở trường, học thật, tránh học vẹt, đánh giá thực chất....
Thầy Đặng Hoàng Dư lưu ý, với thực tế kỳ thi lớp 9 lên lớp 10 và cách đánh giá trong trường như hiện nay, các em cần có sự chuẩn bị từ đầu, không ỷ lại kết quả trên lớp, cố gắng nỗ lực từ sớm để tích lũy kiến thức, nếu chờ giai đoạn gần thi mới nháo nháo lên học thì rất khó để thay đổi kết quả.
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học mang tính thực tiễn, thầy Dư nhấn mạnh nhà trường cũng cần đánh giá đúng năng lực của các em. Việc đổi mới cần phải đồng bộ.
Không chỉ là đổi mới ở khâu dạy học, thầy Vũ Công Lâm Chính đưa ra góc nhìn, việc học hành lâu nay vẫn bị gãy khúc ở các kỳ thi tuyển sinh. Phương pháp giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh chưa đổi mới kịp theo định hướng của Sở. Kiến thức chuẩn là vậy nhưng học sinh vẫn kiểu "1 cổ 2 tròng", đề kiểm tra trong trường vẫn theo cách truyền thống mà khi thi lại theo cách thức khác.
Để có sự dung hòa và giảm áp lực, ngoài việc đẩy mạnh đổi mới dạy học, thầy Chính cho rằng ban đề nên có định hướng đề thi gần với chương trình học, giảm câu hỏi vận dụng thực tế chứ không chiếm quá nhiều như hiện nay.
Thầy Chính cũng nói thêm tình trạng nhiều học sinh học tập lơ là, không có gắng, phụ huynh không theo sát con, cứ nghĩ học ở trường là ổn.
Trong khi có thể thấy sự phân hóa học sinh thành hai cực rõ ràng. Giáo viên này dự đoán điểm chuẩn lớp 10 TPHCM năm nay top trên sẽ tăng 1-1,5 điểm, nhưng top giữa và top dưới điểm chuẩn sẽ giảm.
Theo dantri.com.vn