Những giáo viên “đặc biệt”

Thứ 3, 19.07.2022 | 15:20:53
558 lượt xem

Nhiều năm nay, những người lái đò “đặc biệt” vẫn cần mẫn dạy các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng (cơ sở 1, quận Liên Chiểu). Tuy cơ thể không lành lặn nhưng anh Nguyễn Ngọc Phương, anh Trương Tấn Dũng, cô Phan Thị Thanh vừa làm thầy, làm cô, chỉ dạy cho các em kiến thức; vừa làm cha, làm mẹ yêu thương và chăm sóc các em khuyết tật.

Cô Thanh (ngồi) tỉ mỉ hướng dẫn Linh gấp nếp vải.

Lấy nỗi đau xoa dịu nỗi đau

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương (1981) không may bị khuyết tật nên cơ thể anh nhỏ bé và di chuyển khó khăn. Cha mẹ anh làm nông nuôi hai anh em khuyết tật. Để kiếm tiền phụ giúp gia đình, anh Phương quyết định học nghề làm hương thủ công và cả nghề điện cơ. Sau 10 năm bôn ba ở Sài Gòn, anh về Đà Nẵng làm để gần gia đình hơn. Nghe tin Hội người khuyết tật thành phố đang cần người dạy trẻ, anh quyết định về Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (gọi tắt là Trung tâm) hiện tại làm việc và gắn bó đến nay.

Ban đầu, anh Phương dạy các em khiếm thính về điện cơ đơn giản như tháo, lắp, sửa máy quạt… Sau này, Trung tâm có thêm nhiều trẻ hơn với đủ thể trạng khuyết tật nên anh đã dạy thêm việc làm hương để phù hợp với các em. Từng công đoạn đều được anh Phương tỉ mỉ chỉ dẫn, từ trộn bột, lăn bột đến phơi khô, đóng gói… Mỗi công đoạn cần rất nhiều thời gian để các em có thể học được cách thực hiện tốt nhất.

Mỗi bó hương được làm ra là cả một quá trình công sức của thầy và trò. “Các bạn ở đây đa số là thiểu năng trí tuệ, không thể bày một lúc nhiều công đoạn mà phải chỉ dẫn từng chút một, có khi phải mất cả năm trời mới có thể thực hiện được. Ngày qua ngày, được tiếp xúc và làm việc cùng các em là một niềm vui không ở đâu có được, đó là lý do mà tôi gắn bó với nơi đây đã 13 năm” - Anh Phương chia sẻ. 

Bên cạnh đó, các em được học chữ, học vẽ và tin học văn phòng, những môn học này được một người thầy khuyết tật với nhiều nghị lực Trương Tấn Dũng (1982) đảm nhận. Sau cơn sốt bại liệt, anh Dũng đã mất đi khả năng đi lại và liệt bàn tay phải, bàn tay trái chỉ sử dụng được 4 ngón. Mẹ mất, cha bỏ đi, anh được bà ngoại nuôi dưỡng. Ấy vậy mà anh không nhụt chí. Lúc đi học anh luôn đứng đầu lớp trong tất cả các môn. Được địa phương giới thiệu về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em chất độc da cam, anh đồng ý và gắn bó với nói đây cũng hơn một thập kỷ.

Những giáo viên “đặc biệt” ảnh 1

Thầy Nguyễn Ngọc Phương (trái) cùng các em làm hương.

Việc dạy cho các em khuyết tật rất khó khăn vì các em rất mau quên nên tính kiên nhẫn luôn được anh Dũng đặt lên hàng đầu. Anh Dũng luôn cố gắng tìm những phương pháp dạy mới giúp các em có thể tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Tuy không thể nhớ hết chữ, tranh tô chưa đẹp hay sử dụng bàn phím bằng một ngón tay, nhưng đó là những nỗ lực của các em và thầy giáo, đồng thời là phương pháp trị liệu tinh thần hiệu quả.

 Anh Dũng tâm sự: “Các em luôn mang lại niềm vui cho thầy cô ở Trung tâm bằng sự hồn nhiên của mình. Tôi luôn mong muốn trở thành một tấm gương cho các em cùng hoàn cảnh có niềm tin hơn về cuộc sống”. 

Vòng tay yêu thương

Ở Trung tâm, các bạn nữ được học thêm nghề may vá, học làm hoa vải, hoa cườm, xâu hạt… từ cô Phan Thị Thanh (1971). Cô không may khuyết tật một chân, phải dùng nạng để đi lại. Mỗi ngày, cô Thanh đều ân cần chỉ dạy từng công đoạn, uốn nắn từng chút một để các em làm ra được sản phẩm đẹp nhất. Bên cạnh việc dạy nghề, cô Thanh như người mẹ nhẹ nhàng tâm tình, trò chuyện cùng các em nên các em rất yêu thương và vâng lời cô.

Trong các học trò của cô có chị Phạm Thị Diệu Linh (sinh năm 1992), là nạn nhân của chất độc da cam. Chị Linh vẫn đang bập bẹ nói sao cho rõ chữ nhất, cần mẫn gấp vải để cô Phan Thị Thanh may thành sản phẩm. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, chị Linh nhanh nhảu trả lời: “Linh thích học may, Linh thương cô Thanh nhất”.

Cô Thanh chia sẻ kỷ niệm cô nhớ nhất là những ngày mà đại dịch Covid-19 bùng phát, không thể lên Trung tâm để gặp cũng như sinh hoạt cùng các em. Sau khi ổn định, chào đón cô là những khuôn mặt thấm đẫm nước cùng ánh mắt trách móc, nhớ nhung vì sao cô không lên với tụi con. 

Là một thợ may có tay nghề cao và kinh nghiệm cô Thanh có thể ở nhà và có những thu nhập khác cao hơn so với khi làm việc ở Trung tâm. Nhưng tấm thân bé nhỏ cùng với chiếc nạng ở tay hằng ngày vẫn rong ruổi mong muốn được truyền đạt cho những bạn ở đây cái nghề để các bạn có thể kiếm thêm thu nhập.

Cô chia sẻ “Cô muốn đến đây hơn thay vì ở nhà làm, tuy không nhiều thu nhập, nhưng cô có thêm một mái ấm nhỏ, được sinh hoạt, được làm việc cùng các bạn nhỏ cũng là niềm vui”.

Tại lớp học của Trung tâm, các em cũng được thầy cô dạy những việc cơ bản nhất như: đánh răng, lau mặt, biết lấy chén lúc ăn cơm… Đối với những em có nhận biết tốt hơn sẽ được học chữ, học nghề cơ bản. Bên cạnh đó, Trung tâm luôn duy trì mô hình sân chơi, thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ, vật lý trị liệu giúp cho các em có điều kiện để phát triển toàn diện hơn.

Trung tâm từ lúc thành lập đến nay cũng đã hơn 15 năm và đó cũng gần là khoảng thời gian những thầy cô đã đến và gắn bó với nơi đây. Cô Võ Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Hằng ngày nhìn thấy sản phẩm mà các em làm ra tôi rất tự hào, tôi thực sự khâm phục các thầy các cô ở đây vì sự kiên nhẫn và tình yêu với trẻ. Chỉ mong là thời gian tới sẽ có nhiều người biết đến những sản phẩm tình thương của Trung tâm, quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn để các thầy cô có thêm nguồn kinh phí giúp các em có một cuộc sống tốt hơn”.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhung-giao-vien-dac-biet-post706206.html

  • Từ khóa