Ngày 20/7, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng CN lần thứ tư".
Hội thảo được tổ chức tại Thái Nguyên với sự tham gia của Phó ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Bí Thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo nhiều địa phương,…
Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh Quang Trường.
Nguồn nhân lực lao động nông thôn cần được đào tạo thường xuyên
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chia sẻ, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3 thành tố này cũng là cơ sở lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong đó, nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nguồn nhân lực này cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và trình độ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực nông thôn.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, trong hơn 10 năm qua, hàng chục triệu nông dân đã được tham gia các khóa học nghề. Phần lớn trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Kết quả này góp phần quan trọng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng - Ảnh: Quang Trường.
Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến như: tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt mức khá cao (2,95%/năm); chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng nhanh (8,17%/năm); nông sản Việt Nam có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cho biết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.
Cụ thể: Công tác dự báo nhu cầu về các ngành nghề cần đào tạo cho thị trường, gắn với nhu cầu phát triển của địa phương, công tác hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa tốt. Kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, tìm việc làm cho lao động nông thôn gặp nhiều rào cản,…
Theo Thứ trưởng, thực hiện chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đã đề ra, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được coi trọng và đòi hỏi cần có nhiều đổi mới để thích ứng với bối cảnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội thảo "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" bởi vậy rất có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Hội thảo sẽ góp phần quan trọng gắn kết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - một cuộc cách mạng diễn ra với tốc độ rất nhanh, với sự giao thoa của nhiều công nghệ mang tính đột quá, tác động sâu sắc toàn diện tới đời sống xã hội.
Chú trọng trang bị kiến thức công nghệ thông tin cho người lao động
Được biết, Hội thảo có mục tiêu làm rõ những vấn đề mới và thách thức của dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh mới, giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Nội dung của Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính: Làm rõ thực trạng, hạn chế, bất cập của dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay; Làm rõ những vấn đề mới, khó khăn, thách thức và giải pháp đối với dạy nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới; Phân tích vai trò của cách mạng lần thứ tư đối với với Nông nghiệp, nông dân ở nước ta.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên - Ảnh: Quang Trường.
Hội thảo đã nghe 7 ý kiến phát biểu từ các cơ quan Bộ ngành, địa phương, đoàn thể Trung ương, các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp. Các ý kiến phát biểu đã đi sâu phân tích đánh giá về mặt lý luận thực tiễn của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Qua đó các đại biểu mạnh dạn đề xuất hiến kế nhiều giải pháp quan trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương về vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên chú trọng trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho người lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được chỉ đạo phổ cập công nghệ để người lao động dễ dàng tương tác, tiếp cận các cơ hội việc làm.
Tỉnh đẩy mạnh việc trang bị kiến thức cho các hội kinh doanh nông nghiệp để giao dịch, kinh doanh những sản phẩm nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử.
"Cách đây một tháng, chúng tôi đi thăm một số doanh nghiệp trà của Thái Nguyên, người ta nói rằng nhờ chương trình chuyển đổi số mạnh mẽ nên ngay trong đại dịch, doanh số bán trà còn cao hơn khi chưa có dịch. Đó là do chúng tôi kịp thời đi trước đón đầu. Hiện diện tích trồng trà ở Thái Nguyên rất lớn, trồng trà là thu nhập chính của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh việc thương mại hóa trên sàn giao dịch điện tử. Việc tiêu thụ sản phẩm trà gần như không phải lo lắng", bà Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng tận dụng thế mạnh là trung tâm vùng về giáo dục và đào tạo. Tỉnh chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động đã qua đào tạo và là người Thái Nguyên. Với những cách làm đó, chất lượng lao động và việc thu hút học sinh cuối cấp vào học trường nghề đạt kết quả tốt.
Điều đó thể hiện ở những con số: mức lương trung bình của lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2022 là 8,5 triệu đồng (đứng thứ 5 cả nước), mức thưởng trung bình là 9 triệu đồng, ngoài ra có nhiều doanh nghiệp thưởng cho lao động tới 20 triệu đồng. "Chúng tôi cam kết trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện tối đa cho đào tạo nghề và hướng tới nông nghiệp nông thôn. Đây là vấn đề sống còn vì chúng tôi có 70% lao động là lao động nông thôn và 75% dân số Thái Nguyên sống ở khu vực nông thôn", bà Thanh nói.
Cần phân tích sâu hơn tác động của cuộc CMCN 4.0
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá rất cao các bài phát biểu, ý kiến tham luận. Theo ông, các ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, ở các chiều cạnh khác nhau của đào tạo nghề nông thôn: từ đối tượng phụ nữ, khía cạnh địa phương đến các khía cạnh nâng cao chất lượng, phương pháp, chương trình đào tạo, đặc biệt là đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới đào tạo nghề.
Ông đưa ra một số đề nghị liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết thúc Hội thảo - Ảnh: Quang Trường.
Ông đưa ra một số đề nghị liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ nhất, cần phân tích sâu hơn nữa tác động của cuộc CMCN 4.0. "Hôm nay, đã có các ý kiến rất sâu sắc, nhưng tôi nghĩ rằng cần nhìn sâu hơn nữa, phân tích tác động của CMCN 4.0 đến cơ cấu lao động, đến dự báo biến động của các ngành nghề trong tương lai.
Khi cuộc CMCN 4.0, sắp tới là 5.0 diễn ra với rất nhiều thay đổi trong bối cảnh mới, cần hiểu lao động nông thôn thế nào? Nếu chúng ta không xác định rõ đối tượng thì chính sách đưa ra sẽ không hiệu quả. Tôi đề nghị chúng ta tiếp tục dự báo tác động của CMCN 4.0 đối với cơ cấu lao động, đặc biệt là với những lao động ở nông thôn", ông nói.
Bên cạnh đó, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chúng ta cần bám rất sát tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và nội dung của Nghị quyết TW 5 khóa XIII cùng các văn bản liên quan. Như vậy, chúng ta mới có định hướng về chủ trương chính sách khi đề xuất Chỉ thị và có cơ chế kèm theo.
Quang Trường - Nguyễn Liên/dantri.com.vn