PGS.TS Lê Quý Đức nhìn nhận, những cái mới bao giờ cũng sẽ gặp phản ứng của xã hội, luôn cần "độ trễ" để dần quen thuộc.
PGS.TS Lê Quý Đức nhìn nhận, những cái mới bao giờ cũng sẽ gặp phản ứng của xã hội, luôn cần "độ trễ" để dần quen thuộc.
Mạng xã hội những ngày qua xôn xao nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề trang phục được sử dụng trong Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên và học viên của trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội với hình ảnh Hiệu trưởng nhà trường mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ trong lễ trao bằng tốt nghiệp.
Lễ phục tốt nghiệp của trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, nhìn nhận một cách khách quan, khi một điều mới đến, người ta thường có xu hướng chưa chấp nhận ngay và có nhiều phản ứng khác nhau. Một số người chọn phản ứng theo cách im lặng, có nghĩa "để kệ" những điều mới này; nhưng cũng có những người phản ứng rất gay gắt.
Theo ông, việc các trường đại học ở Việt Nam tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, học sinh đội mũ, mặc áo thụng theo kiểu phương Tây đã bắt đầu có từ cách đây khoảng 20-30 năm; dần dần thành quen thuộc. Đến thời điểm này, đa số các trường đều tổ chức lễ tốt nghiệp theo cách thức trên. Tuy nhiên, chúng ta chưa có sự nghiên cứu đầy đủ về các nghi thức này.
"Tôi không phê phán, cũng không bênh vực cho trường hợp cụ thể đang gây tranh cãi, nhưng tôi bênh vực cho cái mới. Chỉ có điều, chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết, trao đổi để tìm ra một cái mới mà người ta dễ dàng chấp nhận hơn. Quá trình nghiên cứu, trao đổi này có lẽ là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó có những người làm quản lý văn hóa", PGS Đức nêu quan điểm.
PGS Đức dẫn lại câu chuyện thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, "quần áo Tây", "rượu sâm panh" khi du nhập vào Việt Nam cũng bị phê phán rất khắt khe và khẳng định: những cái mới bao giờ cũng sẽ gặp phản ứng của xã hội, luôn cần "độ trễ" để dần quen thuộc.
Lễ phục tốt nghiệp ở trường ĐH Kinh tế quốc dân.
PGS.TS Lê Quý Đức đề xuất, thời điểm này, trong các nghi thức, một bộ lễ phục thể hiện được sự trang trọng, trang nghiêm, mang cả "dáng dấp" của truyền thống và hiện đại sẽ dễ được chấp nhận hơn. Đây cũng là xu hướng chung của sự biến đổi văn hóa trên thế giới, không riêng nước ta.
Với các trường đại học, ông cho rằng những nghi lễ do trường tổ chức cũng chính là nét văn hóa của từng đơn vị. Các trường có quyền lựa chọn, quyết định về cách thức tổ chức, nhưng nên phù hợp với với điều kiện của xã hội và quan điểm thẩm mỹ của cộng đồng để tránh trường hợp bị "ném đá".
"Bởi vậy, theo tôi, trường nào muốn làm theo kiểu lễ phục hiện đại, theo xu hướng quốc tế hóa thì có lẽ bản thân trường đó nên nghiên cứu về lễ phục này; có thể mời các chuyên gia giáo dục, kiến trúc sư, những nhà thiết kế thời trang, thậm chí những nhà văn hóa đến để trao đổi; rồi thông qua dư luận của giáo viên, học sinh trong trường,… Từ đó, thiết kế một mẫu lễ phục mọi người đều chấp nhận và không bị dư luận ném đá", PGS Đức cho hay.
Trang phục lễ tốt nghiệp biểu tượng cho tri thức
Trang phục chỉ được sử dụng trong các buổi lễ trang trọng ở bậc đại học có tên gọi là áo choàng cử nhân hoặc trang phục học thuật (Academic Dress). Loại trang phục này được coi là biểu tượng cho học vấn và tri thức ở bậc đại học, bắt nguồn từ thời trung cổ.
Ngày nay, áo choàng cử nhân là loại trang phục quen thuộc ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở một số nơi, màu sắc của trang phục này sẽ được quy định nghiêm ngặt, dựa theo đúng ngành học của sinh viên và tầm quan trọng của những buổi lễ quy định mặc trang phục này.
Những chiếc áo choàng thụng may bằng vải dày trước đây chủ yếu có chức năng thiết thực vì chúng giữ ấm cho sinh viên bên trong các tòa nhà đại học lạnh giá ở châu Âu.
Trong khi đó, ý nghĩa của đội mũ trùm đầu trong lễ tốt nghiệp bắt nguồn từ trang phục của các thầy tu công giáo La Mã, những người đại diện cho trí thông minh và ưu tú. Thiết kế mũ tốt nghiệp đã có nhiều thay đổi qua thời gian và có nhiều phiên bản. Phổ biến nhất là kiểu mũ chóp cứng như tấm bìa, thường là hình vuông, có tua rua. Mỗi trường đại học lại có mũ đội đầu và lễ phục tốt nghiệp khác nhau về thiết kế và màu sắc.
Lễ phục của hiệu trưởng và sinh viên khác nhau. Đối với sinh viên, cũng có những trường không đi theo truyền thống. Ví dụ, sinh viên Đại học Charleston (Mỹ) không mặc áo choàng hoặc đội mũ khi tham gia lễ tốt nghiệp vào mùa xuân tổ chức ngoài trời. Thay vào đó, sinh viên mặc váy trắng hoặc áo jacket trắng. Còn lễ tốt nghiệp mùa đông được tổ chức ở trong nhà, với quy định về trang phục là tuxedo đen cho nam và váy đen cho nữ.
Tại Thông tư số 26 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp nhằm tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Lễ phục bao gồm: áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có).
Nguyên tắc mặc lễ phục phải bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo; đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp; đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: trung cấp, đại học; đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tiêu chuẩn của lễ phục như sau:
Áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Mũ có màu phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng.
Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái.
Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: Bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn