Chấn chỉnh việc "bán kèm" đồ dùng học tập

Chủ nhật, 07.08.2022 | 09:38:44
544 lượt xem

Khai giảng năm học mới đã tới gần, ngoài sách giáo khoa (SGK) Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá bán đắt gấp 2-3 lần so với sách hiện hành thì bộ đồ dùng học tập cũng có giá rất cao. Việc một số trường “đính kèm” những bộ đồ dùng học tập theo danh mục SGK khiến nhiều phụ huynh băn khoăn liệu những thiết bị học tập này có bắt buộc phải mua?

Đa dạng giá bộ đồ dùng học tập cho học sinh

Trong danh mục SGK, thiết bị học tập tối thiểu lớp 3 gửi phụ huynh của Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có giá 717.000 đồng, trong đó bộ đồ dùng học tập, đồ dùng học sinh có giá 191.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, năm nay chị đăng ký mua sách tại trường cho con, tính riêng bộ SGK lớp 3 có giá 208.000 đồng (chưa có sách Tiếng Anh, các loại sách bài tập). Trong khi đó, bộ đồ dùng học tập tối thiểu cũng có giá gần 200.000 đồng. “SGK đắt đã đành, các loại sách bài tập, bộ đồ dùng thiết bị học tập cũng có giá rất cao, đẩy giá bộ sách lên rất nhiều”, chị Huyền cho biết.

Chung nỗi bức xúc, một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: Cùng với bộ SGK, gia đình cũng phải mua bộ đồ dùng học Toán kèm theo. Chưa kể, sau khi đăng ký mua, nhà trường còn “giúp” bọc, dán nhãn toàn bộ số sách vở và thu tiền gấp đôi. Như vậy, một bộ sách có giá 373.000 đồng nhưng thực tế phụ huynh phải nộp 688.000 đồng. Nếu tính cả sách Tiếng Anh cũng ngốn mất hơn 1 triệu đồng. Nhà có hai con đi học, riêng tiền sách vở, đồ dùng học tập đã mất 2 triệu đồng, chưa kể sắm sửa quần áo, các khoản thu đầu năm.

Chấn chỉnh việc
Phụ huynh và học sinh tự mua sắm đồ dùng học tập theo nhu cầu.  

 

Trên thị trường hiện nay, các bộ đồ dùng học tập có giá khác nhau. Ví dụ, bộ đồ dùng học tập cho học sinh lớp 1 có giá từ 145.000 đồng đến 240.000 đồng. Cụ thể, trong phần giới thiệu, bộ đồ dùng này gồm các thẻ số từ 0 đến 9, 20 que tính, thẻ chữ in màu... được các đơn vị cung ứng giới thiệu là làm từ vật liệu giấy cán plastic, nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất bản Giáo dục bán giá 145.000 đồng; Công ty Cổ phần giáo dục và Công nghệ Việt có giá 160.000 đồng và Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP Hồ Chí Minh có giá tới 240.000 đồng. Hay như bộ thực hành môn Toán lớp 2 cùng trên một chất liệu giấy cán plastic nhưng hiện bộ có giá thấp nhất là 150.000 đồng, bộ cao nhất lên tới 237.000 đồng. Tương tự, bộ đồ dùng thực hành Toán lớp 3 cũng được các đơn vị cung ứng giới thiệu về các trường học với giá thấp nhất là 140.000 đồng; giá cao nhất là 194.000 đồng.

Không có quy định bán kèm

Để phục vụ cho công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học (gắn với chương trình giáo dục các môn học) nhằm phục vụ quá trình truyền tải kiến thức, dạy và học cho học sinh. Đây là căn cứ để các địa phương tổ chức mua sắm, trang bị phục vụ cho quá trình dạy học.

Riêng về đồ dùng học tập, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết, đồ dùng học tập là vật dụng hỗ trợ học sinh thuận tiện hơn trong quá trình học tập, giúp cho việc ghi chép, tiếp thu kiến thức trở nên hiệu quả hơn. Đồ dùng này do phụ huynh mua theo khả năng kinh tế của gia đình và nhu cầu học tập của học sinh. Đây là những vật dụng không có quy định bán kèm SGK. “Bộ GD&ĐT nghiêm cấm việc các nhà trường bán kèm các nội dung dạy học đó với SGK. Tôi đề nghị các địa phương nắm thông tin này để có những chấn chỉnh với các nhà trường”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Chia sẻ về sự đa dạng giá của sản phẩm trên thị trường, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Đây là điều tích cực để tạo sự cạnh tranh, phân khúc khách hàng. Quan trọng là các đồ dùng học tập đó phải phục vụ tốt nhất quá trình học tập của học sinh, bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Giá bán các bộ dụng cụ học tập phụ thuộc vào những yếu tố sản xuất đầu vào của doanh nghiệp. Chức năng quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh trên thị trường thuộc về Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan khác; chức năng quản lý nhà nước về giá cả, chính sách thuế thuộc về Bộ Tài chính. Trong bối cảnh khó khăn chung sau dịch Covid-19, để chuẩn bị cho năm học mới, các gia đình cần lựa chọn những đồ dùng học tập phù hợp với điều kiện kinh tế, đủ dùng, tránh lãng phí.

Chia sẻ với những khó khăn của phụ huynh, ông Ngũ Duy Anh, Chủ tịch Hiệp hội thiết bị giáo dục Việt Nam cho rằng rất nên tìm cách giảm giá thành bộ đồ dùng học tập. Cần có một tổng thể giải pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước như đưa danh mục thiết bị giáo dục vào dạng kê khai giá; các công ty sản xuất và cung ứng phải tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu, giảm chi phí bán hàng... Thời gian tới, Hiệp hội thiết bị giáo dục Việt Nam sẽ có những chương trình vận động các đơn vị sản xuất giảm chiết khấu bán hàng cho các đơn vị cung ứng trong hiệp hội nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, cũng như chia sẻ gánh nặng về giá cho phụ huynh và các em học sinh.

Việc các gia đình tự lựa chọn mua những bộ đồ dùng, dụng cụ học tập có giá thành phù hợp nhất đang bán trên thị trường là quyền của các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, sản phẩm thiết bị giáo dục khi đưa vào nhà trường phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài ra phải bảo đảm sự an toàn cho học sinh, cũng như vệ sinh môi trường. Ông Ngũ Duy Anh cho rằng, nếu không có một đơn vị có chức năng (tốt nhất nên là đơn vị chuyên môn của sở GD&ĐT địa phương) tổ chức thẩm định hoặc kiểm định để định hướng vài sản phẩm cùng loại tối ưu nhất thì chắc chắn các bậc phụ huynh và học sinh sẽ rất lúng túng trong việc chọn lựa sản phẩm phù hợp.

Ghi nhận vấn đề này, đại diện Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có những nghiên cứu, đề xuất việc giảm giá, sao cho vẫn tuân theo quy luật của thị trường, nhưng nhà sản xuất cũng thể hiện trách nhiệm xã hội, chung tay vì sự phát triển giáo dục nước nhà. “Tinh thần chia sẻ, tiết kiệm là nét đẹp và truyền thống quý báu của dân tộc ta, vì vậy, bên cạnh việc phát động phong trào quyên tặng SGK cho học sinh, các em cần cố gắng giữ gìn đồ dùng học tập của mình để có thể tiếp tục sử dụng trong những năm học tiếp theo hoặc quyên tặng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn” ông Mai Văn Trinh khuyến khích.


HÀ TRANG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/chan-chinh-viec-ban-kem-do-dung-hoc-tap-702057

  • Từ khóa