Ngành Trí tuệ nhân tạo học như thế nào?, có dễ kiếm việc?

Chủ nhật, 07.08.2022 | 09:38:28
440 lượt xem

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi do công nghệ này có khả năng giải quyết các bài toán cụ thể, có thể ngang bằng, thậm chí vượt qua khả năng của con người.

Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đặt ra định hướng mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo (CTĐT) đại học, sau đại học và đào tạo nghề, trong đó, ngành Trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong những ngành trọng điểm.

Ngành Trí tuệ nhân tạo học như thế nào?, có dễ kiếm việc? - 1

Ngành Trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong những ngành trọng điểm quốc gia.

Nghiên cứu đỉnh cao

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Theo đó, với mục tiêu là chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, chiến lược đã đưa ra 7 trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực mà Trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong những ngành trọng điểm.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đưa Trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về Trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Để thực hiện được mục tiêu này, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh việc phổ cập đại trà kiến thức, kỹ năng ứng dụng Trí tuệ nhân tạo thông qua các khóa học ngắn hạn hay việc đưa các môn học về chủ đề này vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau trong các trường đại học, việc xây dựng các chương trình đào tạo chính quy là giải pháp có tính lâu dài và căn cốt.

Thiếu nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cao

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi do công nghệ này có khả năng giải quyết các bài toán cụ thể, có thể ngang bằng, thậm chí vượt qua khả năng của con người. Vì vậy, nhu cầu về các kỹ sư tài năng tăng hơn gấp đôi trong vài năm qua tạo ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia muốn làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo tiên tiến.

Hiện nay, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn các nhóm chuyên môn khác của Việt Nam.

Theo thống kê từ Navigos Group, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Trí tuệ nhân tạo có mức lương gần 1.900 USD/tháng cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác.

 Khó khăn đặt ra là nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng. Nguồn cung chuyên gia Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam hiện nay chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, trong khi đó, khoảng cách kỹ năng toàn cầu trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo còn khá lớn. Nếu lấy nguồn cử nhân/kỹ sư Công nghệ thông tin trong nước thì cần đào tạo thêm mới có thể đáp ứng yêu cầu.

Trong những năm qua, các trường đại học hàng đầu và có truyền thống về Công nghệ thông tin của Việt Nam đã triển khai các CTĐT Khoa học máy tính, định hướng Trí tuệ nhân tạo một cách khá bài bản như: Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông; Học viện Kỹ thuật Quân sự…

Ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Công nghệ được xây dựng theo hướng công nghệ - kỹ thuật liên ngành, có ứng dụng rộng khắp trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu mà ĐHQGHN có ưu thế và truyền thống. 

Chuyên môn về Trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Công nghệ đã bước đầu được thiết lập với các môn học về Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu trong các CTĐT; các đề tài nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo; các ngành nền tảng thuộc Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông dần tạo vị thế và uy tín.

Gần đây, với xu thế mới về BigData, nhiều trường đã bắt đầu mở các CTĐT về Khoa học dữ liệu ở các bậc đào tạo khác nhau. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã đưa vào thực hiện CTĐT thạc sĩ về Khoa học dữ liệu và CTĐT cử nhân chất lượng cao, định hướng Trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo chính quy về Trí tuệ nhân tạo trong các trường đại học lớn, nhiều cơ sở giáo dục cũng mở các khóa đào tạo ngắn hạn bổ sung kiến thức cho các sinh viên, cán bộ để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trường ĐH Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm đào tạo Trí tuệ nhân tạo kết hợp với doanh nghiệp triển khai các khóa đào tạo về học máy, phân tích dữ liệu lớn hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên…

Ngành Trí tuệ nhân tạo học như thế nào?, có dễ kiếm việc? - 2

Cơ hội việc làm của ngành Trí tuệ nhân tạo.

Hướng tới trải nghiệm cho người học

CTĐT Trí tuệ nhân tạo được thiết kế với các khối kiến thức phân tầng và gắn kết với nền tảng là các kiến thức về toán, khoa học máy tính, các môn khoa học khác; kế tiếp là phần kiến thức cốt lõi về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; tiếp nối là phần kiến thức về các miền ứng dụng như y tế, khoa học xã hội, môi trường, robot…

Tiến trình đào tạo được bố trí hợp lý giúp sinh viên dần hình thành và củng cố các kỹ năng toàn diện, bao gồm: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành.

Bên cạnh đó, sinh viên được sớm tiếp xúc với các ứng dụng và các môn học của ngành ngay từ năm đầu, giúp tạo hứng thú học tập và hiểu biết về ngành đào tạo. Nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo sẽ được đưa vào ngay cả các môn cơ bản như toán, lập trình… thông qua ví dụ, bài tập, học liệu phù hợp. Tiếp cận học thông qua trải nghiệm sẽ giúp tạo và duy trì hứng thú học tập cho sinh viên.

Lãnh đạo trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN cho biết, CTĐT Trí tuệ nhân tạo lựa chọn một số học phần cơ sở như Nhập môn Trí tuệ nhân tạo, Nhập môn lập trình, Lập trình xử lý dữ liệu với Python, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Cơ sở của Trí tuệ nhân tạo… để tạo nên những khóa học cho học sinh bậc trung học phổ thông (THPT). Các học sinh khá, giỏi ở bậc THPT có thể tích lũy và được công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn này trước khi vào đại học.

 Tốt nghiệp CTĐT Trí tuệ nhân tạo, sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường quản lý, sản xuất, kinh doanh với tư cách cán bộ thiết kế, phát triển và bảo trì các hệ thống trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; Cán bộ nghiên cứu phát triển tại các công ty, tập đoàn công nghệ; Cán bộ quản lý các hệ thống ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo có đủ năng lực và kỹ năng làm việc trong môi trường học thuật như giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu và có thể học các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.


Bình An/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nganh-tri-tue-nhan-tao-hoc-nhu-the-nao-co-de-kiem-viec-20220806151945117.htm

  • Từ khóa