Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, các nhà Nhân học có phạm vi nghề nghiệp rất đa dạng, trên tất cả lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Là một ngành khoa học lấy việc nghiên cứu làm ưu tiên, không khó để hiểu Nhân học hay bị gắn mác khô khan và nhàm chán. Tuy nhiên trên thực tế, đây là ngành học thú vị và có thể ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Các tri thức nhân học đã và đang được sử dụng trong quản lý xã hội, kinh doanh, quan hệ quốc tế, tổ chức nhân sự và nhiều khía cạnh khác.
PGS.TS Lâm Minh Châu, trưởng bộ môn Nhân học Kinh tế - Xã hội, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - một trong những chuyên gia đầu ngành nhân học đã có những chia sẻ về sự thú vị cũng như cơ hội việc làm rộng mở của ngành học này.
Sự khác biệt của ngành học
PGS.TS Lâm Minh Châu cho biết, nhờ những tri thức nhân học, ông nhận ra, văn hóa và sự khác biệt văn hóa rất thú vị và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
"Tại sao ở Việt Nam người ta thích dùng Facebook, nhưng ở Mỹ người ta lại thích dùng Twitter? Tại sao tiền tip (tiền boa) gần như là điều đương nhiên ở Mỹ, nhưng lại không nên làm thế ở Nhật Bản? Tại sao trong cách tiêu dùng ở Việt Nam, người miền Bắc thường được coi là "căn cơ" còn người miền Nam thường được coi là "phóng khoáng"? Vì sao người phương Tây khi ăn uống thì cái gì cũng phải riêng, nhưng người Việt thậm chí có thể cả nhà chung nhau một bát nước chấm? Tất cả những điều đó làm nên sự thú vị của ngành khoa học này", PGS Châu tâm sự.
PGS.TS Lâm Minh Châu, trưởng bộ môn Nhân học Kinh tế - Xã hội, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo ông, nhân học nói một cách đơn giản nhất là khoa học về sự khác biệt văn hóa. Mối quan tâm chủ đạo của nhân học là lý giải tại sao con người ta giống nhau gần như tuyệt đối về mặt sinh học, nhưng lại rất khác nhau về cách ăn, mặc, ở, đi lại, vui chơi, giải trí, cưới hỏi, tang ma, thị hiếu với điện thoại, cách chúng ta chọn xe hơi, cách chúng ta dùng Facebook,…
"Tất cả những điều đó được gọi chung là văn hóa. Nhân học quan tâm tìm hiểu xem văn hóa của con người ở các vùng miền trên thế giới khác nhau như thế nào và lý giải nguyên nhân của sự khác biệt đó", PGS Châu nói.
Trên phương diện việc làm, có thể chia các nhà nhân học thành hai bộ phận. Một bộ phận nhỏ đi sâu vào các lĩnh vực học thuật; đa số giảng dạy trong các trường đại học, hay làm công tác nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, viện bảo tàng. Bộ phận khác lớn hơn làm việc trong các lĩnh vực không nặng về tính học thuật mà thiên về tính ứng dụng.
Xuất phát từ phạm vi ứng dụng rất rộng của nhân học, các nhà nhân học cũng có phạm vi nghề nghiệp rất đa dạng, trên tất cả lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ có thể làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, làm tư vấn cho các dự án phát triển, đặc biệt là các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, trong các doanh nghiệp, các phòng phát triển sản phẩm và marketing, làm công tác quản lý nhân sự, trong các hoạt động đối ngoại,….
"Nói cách khác, các nhà nhân học không làm việc trong một lĩnh vực cụ thể, mà trên rất nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung trong công việc của các nhà nhân học ở khắp mọi nơi là đều xử lý và giải quyết những vấn đề liên quan tới sự khác biệt văn hóa", PGS Châu chia sẻ.
Dẫn chứng về sự khác biệt giữa công việc của một nhà nhân học với một chuyên gia phần cứng máy tính hay một chuyên gia về kinh doanh, PGS Châu đưa ra trường hợp chiếc điện thoại iphone.
Theo đó, chuyên gia phần cứng sẽ chịu trách nhiệm tìm hiểu các công nghệ phần cứng mới nhất để đưa vào những mẫu iphone mới. Chuyên gia kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm định giá các mẫu iphone trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào, cũng như khả năng chi trả của khách hàng.
Điểm chung giữa chuyên gia phần cứng và chuyên gia kinh doanh là họ tính toán các giải pháp công nghệ và kinh doanh để áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Các giải pháp này giống nhau từ Mỹ đến Trung Quốc và Việt Nam, không phân biệt đặc trưng văn hóa của mỗi vùng.
Trong khi đó, công việc của nhà nhân học lại là xác định xem nên sản xuất chiếc iphone có màu gì để phù hợp với khách hàng mua iphone ở những thị trường mới nổi của Apple.
"Một nhà nhân học sẽ tư vấn cho Apple rằng hãy sản xuất các bản iphone có màu vàng (gold) nếu Apple muốn chuyển hướng sang phát triển thị trường tại các quốc gia châu Á, điển hình là Trung Quốc. Lý do là tại những thị trường đó, do đặc điểm văn hóa nên thị hiếu về màu sắc của khách hàng có thể rất khác với các thị trường Âu Mỹ, nơi người ta đa số chỉ chuộng hai màu đen và trắng". PGS Châu cho hay.
Những người ưa thích nhân học thường có hai đặc điểm là "sự sáng tạo" và "tinh thần khám phá".
Sinh viên cần chuẩn bị gì nếu muốn theo đuổi ngành nhân học?
Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, thách thức lớn nhất với ngành Nhân học hiện nay là công chúng nói chung chưa hiểu rõ về ngành này, đặc biệt là về khả năng ứng dụng. Cơ hội việc làm của ngành nhân học cũng không "rõ ràng" bằng các ngành khác như ngân hàng hay công nghệ thông tin, mặc dù khả năng ứng dụng trên thực tế là rất rộng.
"Đó là chưa kể, các ngành khoa học xã hội và nhân văn, bao gồm cả nhân học, thường được coi là những ngành có khả năng phát huy tác dụng trong dài hạn, chứ không phải là những ngành có thể "hái ra tiền ngay lập tức". Tôi nghĩ đây là vấn đề chung với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, không chỉ riêng ngành Nhân học", PGS Châu nói.
Ông cho rằng những sinh viên chủ động chọn ngành khoa học cơ bản như Nhân học thường là người đã tìm hiểu tương đối kỹ lưỡng trước khi lựa chọn. Ngoài ra, những người ưa thích nhân học thường có hai đặc điểm là "sự sáng tạo" và "tinh thần khám phá", bởi theo đuổi ngành này sẽ phải đi nhiều, gặp nhiều người và có cái nhìn cởi mở với những điều khác biệt. Nếu không có "sự sáng tạo" và "tinh thần khám phá" sẽ không thể tìm hiểu, lý giải được sự khác biệt văn hóa giữa con người ở nơi này và ở nơi khác trên thế giới.
Đưa ra lời khuyên với các sĩ tử đang có mong muốn lựa chọn, theo đuổi ngành Nhân học, PGS.TS Lâm Minh Châu chia sẻ, điều đầu tiên các em nên làm là tìm hiểu kỹ về ngành học.
"Những ai thực sự hiểu về các ngành khoa học cơ bản và khoa học xã hội, thực sự hứng thú với nó sẽ thấy các ngành này có nhiều điều thú vị và kiến thức của các ngành này nếu được tích lũy đầy đủ, hoàn toàn có thể đảm bảo một công việc tử tế sau khi tốt nghiệp", PGS Châu nói.
Nguyễn Khánh/dantri.com.vn