Chú trọng giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh

Thứ 5, 11.08.2022 | 15:49:58
512 lượt xem

Đây là yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025.

Chú trọng giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh - Ảnh 1.

Đẩy mạnh tư vấn, giải quyết những vấn đề tâm thần, tâm lý học sinh

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và cha mẹ học sinh.

Đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, nạn nhân của sự xâm hại, bạo lực gia đình và học đường và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) trong trường học, góp phần hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh (gọi tắt là học sinh).

Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về sức khỏe tâm thần cho học sinh; lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe tâm thần, các diễn đàn, các câu lạc bộ sức khỏe trong trường học...

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển các tài liệu và sổ tay truyền thông, hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, đánh giá sàng lọc để phát hiện học sinh có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần; tài liệu nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn các phương pháp nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với học sinh có rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học và tư vấn, hỗ trợ chuyển tuyến khi cần thiết. Tổ chức mạng lưới các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, bác sỹ điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần để tư vấn, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cung cấp dịch vụ tham vấn, điều trị chuyên nghiệp.

Tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, các kỹ năng cho học sinh về sức khỏe tâm thần, chú trọng rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và duy trì các mối quan hệ lành mạnh nhằm giảm trầm cảm, lo âu, bạo lực, bắt nạt, giận dữ đối với học sinh.

Đánh giá sức khỏe định kỳ của học sinh, phát hiện sớm vấn đề sức khỏe tâm thần

Kế hoạch cũng nêu rõ, cần tổ chức đánh giá sức khỏe định kỳ của học sinh, kết hợp lồng ghép các hoạt động sàng lọc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần và dự phòng các yếu tố nguy cơ của rối loạn sức khỏe tâm thần học sinh.

Xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp sớm đối với các trường hợp học sinh có rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học, chú trọng đến yếu tố giới và nhạy cảm về giới phù hợp với lứa tuổi ở học sinh.

* Stress, trầm cảm tuổi học đường có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sau đại dịch COVID-19 là thời điểm cộng hưởng khiến "giọt nước tràn ly". Bị cách ly, học online kéo dài, hạn chế giao tiếp, quá tải học hành hay căng thẳng khi đối mặt với các kỳ thi, khiến nhiều học sinh mỗi ngày đến trường vẫn đầy áp lực, thậm chí có thể rơi vào tình trạng stress, trầm cảm.

Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng 3-5 lần so với bình thường… Những con số đáng chú ý cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn.


Lan Phương/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/chu-trong-giao-duc-suc-khoe-tam-than-cho-tre-em-hoc-sinh-102220811104248013.htm

  • Từ khóa