Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhiều địa phương cho biết thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là với chương trình phổ thông mới.
Giáo viên nghỉ việc vì lương không đủ sống
Tại Hội nghị, hầu hết các địa phương được chỉ định phát biểu đều kêu thiếu giáo viên nghiêm trọng, nhất là một số môn cho chương trình giáo dục phổ thông mới như: Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh...
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện địa phương này thiếu khoảng 8.000 giáo viên.
Năm vừa qua, Nghệ An đã bổ sung được hơn 2.000 giáo viên nhưng năm học 2022- 2023, địa phương này vẫn còn thiếu gần 6.000 giáo viên nên rất khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều địa phương "kêu" thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là với chương trình phổ thông mới (Ảnh: Mỹ Hà).
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, địa phương này có 527 giáo viên nghỉ việc do lương giáo viên chưa đủ trang trải cuộc sống.
Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh có số học sinh trên lớp vượt quá số lượng quy định, nhiều trường phải giảm số buổi học do thiếu phòng học.
Hiện Bình Dương có 20.044 công chức, viên chức. Dự kiến số học sinh tăng trong 2022-2023, Bình Dương sẽ thiếu trên 3.000 giáo viên.
Từ năm học 2022-2023 đến nay, Bình Dương tăng 11 trường, trong đó có một trường THCS, 10 trường mầm non ngoài công lập. Tổng số học sinh tăng dự kiến trong năm 2022-2023 là 29.000 học sinh.
Tháng 8/2022, Bình Dương có 20 công trình được hoàn thành để chuẩn bị khai giảng năm học mới, 381 phòng học tăng thêm. Bên cạnh đó, ngành đã chủ động rà soát bổ sung theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với giáo dục mầm non, địa phương này ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi vào trường công lập để phổ cập giáo dục mầm non. Đối với trẻ 6 tuổi vào lớp 1, Bình Dương tuyển 100% trẻ cư trú trên địa bàn vào lớp 1.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục Bình Dương đã tham mưu để tuyển dụng theo phân cấp quản lý. UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương tuyển giáo viên hợp đồng, phân công giáo viên dạy thêm giờ để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Đồng thời địa phương này kiến nghị, năm 2022-2013 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, đối với những môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, là những môn tự chọn nhưng đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Do đó, Bình Dương mong muốn Chính phủ và Bộ Nội vụ có chính sách đặc thù thu hút đối tượng này.
Tại Thanh Hóa, theo đại diện Sở GD&ĐT, năm học 2021 - 2022, tỉnh thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022 - 2023, sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng cho rằng, ngay cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho giáo dục như lương và biên chế giáo viên (Ảnh: Mỹ Hà).
Bộ GD&ĐT không quyết được vấn đề lương và biên chế giáo viên
Trước đó, ngày 2/8, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo quyết định về biên chế các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo quyết định này, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các trường ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023.
"Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn, không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.
Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp", Thứ trưởng nói.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương đưa ra, đồng thời Phó Thủ tướng khẳng định, kiến nghị của các địa phương và mục tiêu tuyển đủ giáo viên là chính đáng.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thông cảm cho ngành giáo dục, bởi ngay cả Bộ trưởng Giáo dục cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục như lương, biên chế, trường lớp.
Để góp phần ngăn chặn việc thiếu, thừa giáo viên cục bộ, Phó thủ tướng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuyển biến nhanh hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nắm chắc thống kê nguồn lực của ngành.
"Nắm được rồi thì phải cập nhật, có bộ phận xử lý thông tin. Bộ làm sao phải biết từng địa bàn có bao nhiêu trường, lớp, giáo viên, rồi kết hợp với dữ liệu về dân cư sẽ biết chỗ nào thiếu, thừa giáo viên, từ đó mới quy hoạch được", ông Đam nói.
Theo dantri.com.vn