Theo Trưởng Ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, số liệu trên thậm chí còn là tín hiệu tốt, cho thấy nhiều thí sinh đã lựa chọn học nghề trực tiếp thay vì học đại học theo "hình thức".
Sau khi mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung trong vòng 1 ngày (từ 22/8 đến 17h ngày 23/8), Bộ GD&ĐT đã ghi nhận thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng. Như vậy, vẫn còn trên 320.000 thí sinh quyết định không nhập nguyện vọng lên hệ thống (chiếm 1/3 trên tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT).
Những ngày vừa qua, dư luận có 2 chiều ý kiến liên quan tới vấn đề này. Một bên cho rằng số liệu trên là bình thường, có thể do nhiều thí sinh đã chọn hướng đi khác. Tuy nhiên, một số người lại nhận định việc có tới 1/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng không nhập nguyện vọng lên hệ thống là bất thường, có thể là "bước lùi" của ngành giáo dục.
Số liệu trên là bình thường, không chênh lệnh đáng kể so với mọi năm
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng số liệu trên là bình thường, không chênh lệnh đáng kể so với mọi năm. Theo giáo sư, trước đây không thống kê được hết số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vì thí sinh đăng ký trực tiếp vào các trường. Đến năm nay, khi Bộ GD&ĐT sử dụng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, con số này mới được thể hiện rõ ràng hơn.
GS Đức khẳng định đây thậm chí còn là tín hiệu tốt, là dấu hiệu đáng mừng. "Theo nhu cầu xã hội hiện tại, chúng ta đang "thiếu thợ", nhất là những thợ lành nghề. Bên cạnh đó, thợ lành nghề lại có mức lương cao. Thực tế này đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn đi vào học nghề trực tiếp thay vì học đại học theo "hình thức". Các bạn đã nhận thức được đầy đủ: không cần chạy theo bằng cấp, hư danh.
Tôi cho rằng nếu so với tổng số trên 900.000 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT thì con số trên 600.000 thí sinh nhập nguyện vọng thậm chí là còn cao, vì tỷ lệ trên 60% như vậy đã là cao nếu so với các nước khác. Đây là tín hiệu tích cực.
Thí sinh nào có năng lực, cảm thấy phù hợp thì chọn đăng ký để vào đại học, còn nếu ngược lại thì không nên, bởi trên thực tế, có rất nhiều bạn vào đại học nhưng không học được, cuối cùng lại bỏ học rồi ra ngoài làm, tốn kém cả thời gian, tiền bạc", GS Đức chia sẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích các bạn trẻ rằng: "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nếu bạn có một nghề tốt, con đường tương lai sẽ tốt và đại học không phải con đường duy nhất để làm nên thành công trong tương lai của các bạn.
Học phí tăng cũng có thể là một nguyên nhân
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với một số ý kiến cho rằng do các trường đại học đã thực hiện tự chủ đại học, học phí tăng cao khiến nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện cho con em đi học. Theo ông, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến một số thí sinh quyết định không nhập nguyện vọng.
Với các ý kiến về việc số thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống sẽ là "tỷ lệ ảo" lớn, gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm, nên chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
"Cá nhân tôi cho rằng nếu không tuyển đủ mà vẫn đảm bảo chất lượng thì đó cũng là một điều tốt. Bởi hiện nay các trường thực hiện tự chủ, có xu hướng tăng học phí và tuyển nhiều sinh viên, tăng nguồn thu. Mặt tích cực là có nguồn lực để phát triển nhà trường nhưng mặt thứ hai là kéo theo nhiều hệ lụy khác. Quan điểm của tôi là cần chú trọng đảm bảo chất lượng", ông nói.
Trước đó, trao đổi với Dân trí hôm 22/8 về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định rằng việc có trên 320.000 thí sinh không nhập nguyện vọng không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
Bà Thủy cho biết, các năm trước, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý "cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng" vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Tới năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung "có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không". Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).
Năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270, năm 2021 là 794.739 thí sinh. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm, nhưng thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học.
"Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, các em sẽ biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học,...
Và điều này cũng giảm được công sức, giảm được việc thí sinh nộp lệ phí xét tuyển không cần thiết, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống là chuyện bình thường", PGS Thủy giải thích.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn