Trước thềm năm học mới, tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, gây nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết tại Quyết định 72 của Bộ Chính trị, ngành giáo dục các địa phương được giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Riêng năm học 2022 - 2023 được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, dẫn thực trạng tại địa phương: Trong năm học 2022-2023, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Với tình trạng này, việc triển khai và bảo đảm chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tại Bình Dương, từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, đã có 527 giáo viên nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, thông tin năm học 2022-2023 đưa vào sử dụng thêm 11 trường, trong đó một THCS và 10 mầm non ngoài công lập. Số học sinh dự kiến tăng 29.000, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Để theo kịp mức tăng của sĩ số học sinh, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên, trong đó tiểu học cần 1.200 người, THCS 1.300, THPT 118 và mầm non 465 người.
Nhiều địa phương tại Quảng Bình thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là cấp mầm non Ảnh: HOÀNG PHÚC
Năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn tại Cà Mau, năm học 2022 - 2023 khi tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, tỉnh thiếu khoảng 100 giáo viên dạy tin học nhưng lại không thể tuyển vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này.
Trong báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 mới đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn. Một số nơi còn phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên làm việc kiêm nhiệm công tác phòng dịch dẫn tới lao động giáo viên chịu nhiều áp lực.
Theo TS Vũ Minh Đức, do năm học mới đã cận kề, để bảo đảm đủ giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định 72-QĐ/TW, bổ sung cho năm học 2022-2023.
Việc tuyển dụng, sử dụng biên chế giáo viên cần thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho cơ sở giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Cùng với việc tuyển dụng, sử dụng biên chế giáo viên, các địa phương cần chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Các tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đồng bộ với giải pháp khác.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thieu-giao-vien-tram-trong-20220823214628414.htm