Tham vấn ý kiến của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam về quyền học của trẻ em mầm non nói riêng và công dân nói chung.
Vừa qua, tại Quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra sự việc hàng trăm phụ huynh tham gia lễ bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023.
Kết quả buổi lễ bốc thăm, hơn 100 phụ huynh trúng lá thăm giành suất vào trường mầm non cho con. Một số phụ huynh khác mặc dù rất buồn bã vì bốc thăm trượt nhưng không còn cách nào khác đành phải ra về.
Hiện tượng này cùng với hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở một số địa phương, một số khu vực, một số thời điểm, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học và phổ thông trung học trong những năm qua đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phụ huynh bốc thăm giành suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt, Hà Nội (Ảnh: Th. H).
Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm theo kiểu may rủi để tìm kiếm cơ hội con vào trường mầm non công lập, hay chuyện phụ huynh phải đi xếp hàng từ 5h sáng, xô đẩy đổ cổng trường để nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con; tình trạng thi vào lớp 10 "khó hơn thi đại học", khiến nhiều học sinh không có cơ hội học trường công lập... là câu chuyện rất đáng suy nghĩ về thực trạng giáo dục những năm gần đây ở một số địa phương.
Trước sự việc này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam dẫn chứng rằng, quyền học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, đặc biệt là với trẻ em.
Bởi vậy, theo luật sư Cường, đồng thời với việc ghi nhận quyền học tập của trẻ em, Nhà nước và chính quyền các địa phương cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ em được thực hiện quyền của mình.
Luật sư Cường nhận thấy: "Một số người cho rằng, hiện nay có cả trường công lập và trường tư thục, nếu không có cơ hội học trường công lập thì có thể cho con học trường tư thục, có sao đâu! Có thể đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục.
Nếu cán bộ quản lý, người có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền học tập của trẻ em mà có suy nghĩ và nhận thức như vậy thì cần phải xem xét lại tư duy và đạo đức nghề nghiệp".
"Trẻ em cần được thực hiện quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục", luật sư nhấn mạnh.
TS.LS Đặng Văn Cường viện dẫn, Điều 39 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập".
Điều 61 Hiến pháp cũng quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý....
Dựa trên hai điều trên, LS. Cường thấy rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia gia nhập Công ước về Quyền trẻ em rất sớm và có rất nhiều văn bản quy định về quyền được học tập của trẻ em, Chính phủ Việt Nam khi mới ra đời ( năm 1945) đã phát động phong trào toàn dân diệt "giặc đói", "giặc dốt" cho thấy mức độ quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục như thế nào. Cùng với sự phát triển của xã hội, quyền của trẻ em nói riêng, quyền học tập nói chung ngày càng được ghi nhận và đảm bảo đầy đủ.
Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu như sau: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.
Điều 32 Luật Trẻ em cũng quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.
Không chỉ ghi nhận về Quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập mà Luật trẻ em năm 2016 còn ghi nhận, quy định những điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền trẻ em.
Cụ thể, Điều 44 Luật Trẻ em quy định về bảo đảm về giáo dục cho trẻ em như sau: Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động;
Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ;
Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em; Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;
Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.
Ngoài ra, Điều 13 Luật Giáo dục 2019 cũng quy định Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập; Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình;
Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Dựa trên các điều luật trên, luật sư cho rằng: "Có thể thấy học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật đã có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập được đảm bảo thực hiện trên thực tế, trong đó trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan tổ chức cá nhân trong hoạt động giáo dục".
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: NVCC)
Mặt khác, Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định nghĩa vụ của mỗi công dân trong giáo dục như sau : "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc".
"Việc giáo dục bắt buộc đối với những công dân trong độ tuổi đến trường là để củng cố kiến thức căn bản, kỹ năng cần thiết phục cho đời sống hàng ngày và công việc cần có của mỗi một công dân. Ngoài ra việc thực hiện giáo dục bắt buộc là để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu các vấn đề học sinh ngừng đi học vì hoàn cảnh kinh tế và gia đình, cân bằng giáo dục giữa nông thôn và đô thị.
Để thực hiện giáo dục bắt buộc gia đình người giám hộ tạo điều kiện thuận lợi để cho công dân đến trường trong độ tuổi quy định. Ngoài ra, Nhà nước cũng xem xét các chính sách và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ và khuyến khích việc giáo dục bắt buộc đối với công dân trong độ tuổi quy định", luật sư nói.
Như vậy, theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay, từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định quyền và nghĩa vụ học tập của mọi công dân, đặc biệt công dân là trẻ em.
Với trẻ em, việc học tập là quyền cơ bản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải thực hiện mọi biện pháp, khả năng có thể để đảm bảo tốt nhất quyền học tập của trẻ em, trẻ em được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục.
Mai Châm/dantri.com.vn