"Mẹ ép em đăng kí học đại học bằng được. Quan điểm của mẹ học trường nào, ngành nào mẹ cũng chiều, miễn là phải trở thành sinh viên thì thôi".
Sáng nay, cô học trò cũ ghé nhà tôi chơi. Vừa thấy tôi, em òa khóc nức nở. Em bảo rằng mình đang rất buồn và chán. Em thường xuyên bị ba mẹ la rầy rồi chì chiết vì tội không nghe lời. Giờ em buồn quá mà chẳng biết phải làm sao. Em thực sự bị stress thật rồi cô ạ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).
Thấy em xúc động mạnh, tôi vội vỗ về an ủi em. Em vốn là cô học trò cưng lúc trước của tôi. Em ngoan, chăm chỉ nhưng rất kiệm lời. Thỉnh thoảng em vẫn thường điện thoại trò chuyện, tâm sự với tôi. Em cũng hay than thở về ba mẹ mình khó tính.
Lúc nào, ba mẹ cũng kì vọng vào sự học hành của con cái. Mấy chị em chẳng phải làm gì cả. Ba mẹ cũng không tiếc tiền của cho con cái học hành. Em cũng hiểu ba mẹ rất thương chúng em. Họ có thể hy sinh tất cả vì con cái. Em cũng từng cố gắng rất nhiều để ba mẹ được vui lòng.
Dường như, ngày nào mẹ cũng lặp lại câu nói "ráng học cho giỏi" nha. Ráng mà cố gắng cho cuộc đời sau này bớt khổ. Đừng có thất học như ba mẹ đấy. Mẹ không muốn cuộc đời các con phải khổ.
Nhìn dáng mẹ tất tả bận rộn mà em thương đến thắt lòng. Em cũng đã cố gắng hết sức rồi. Chẳng hiểu sao lớp 12, em lại rất sợ học. Cứ nghĩ đến việc học là em sợ. Trầy trật lắm em mới vượt qua nổi các kì thi. Giờ em chỉ muốn học nghề rồi đi làm thôi. Em từng tâm sự với mẹ mấy lần về chuyện này rồi.
Vậy nhưng lần nào mẹ cũng chửi em không kịp vuốt mặt. Mẹ cứ bảo nhiều đứa muốn được đi học mà không được. Còn con nhà này thì ngược lại. Rồi mẹ vào mạng kiếm bao tấm gương con nhà nghèo điểm cao mà không được học tiếp. Cứ thế mẹ la rầy, quát tháo em không tiếc lời.
Cuối cùng mẹ ép em đăng kí học đại học bằng được. Quan điểm của mẹ học trường nào, ngành nào mẹ cũng chiều, miễn là phải trở thành sinh viên thì thôi.
Nghe em trút bầu tâm sự, tôi thương em vô cùng. Tôi cũng hiểu tâm trạng của mẹ em. Đây là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh bây giờ. Họ đang rất lo lắng cho tương lai con cái mình. Họ từng không tiếc tiền của để mong con cái sau này có tương lai tươi sáng.
Với họ, chỉ có vào đại học mới có hy vọng đổi đời. Họ không cần biết ý thích và sức học của con mình tới đâu. Thậm chí, nhiều gia đình không có điều kiện vẫn muốn con cái vào đại học bằng được. Chỉ đến khi con không ra được trường hoặc cầm tấm bằng mà không xin nổi việc họ mới nhận ra sai lầm của mình.
Cạnh nhà tôi chính là một trường hợp như thế. Gia đình cũng ép con cái vào đại học bằng được. Cháu từng cầu xin cha mẹ cho học nghề gần nhà nhưng phụ huynh đâu có chịu.
Cuối cùng, cháu đành chọn đại một ngành có số điểm chuẩn khá thấp. Sau hai năm học, cháu buộc phải nghỉ giữa chừng vì nợ môn quá nhiều. Chỉ đến đó, chị hàng xóm mới ân hận vì quyết định độc đoán trước đây của mình. Như vậy, bao tiền của, công sức coi như đổ sông, đổ bể.
Thực ra, cha mẹ nào chẳng thương con. Ai chẳng mong con cái mình được học hành đến nơi, đến chốn. Chỉ có điều chúng ta cần phải tỉnh táo khi quyết định tương lai cho các con.
Nếu con thực sự muốn học tiếp cha mẹ hãy đầu tư. Bằng không, hãy để con rẽ ngang học nghề mà con yêu thích. Xin hãy hiểu nỗi lòng của các con. Đừng ép chúng phải vào đại học bằng mọi giá. Cuối cùng là con khổ rồi cha mẹ cũng khổ theo.
Loát Trần/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoi-hop-lo-lang-vi-so-dau-dai-hoc-20220902183000015.htm