Các tỉnh vùng khó khăn sẵn sàng cho năm học mới

Chủ nhật, 04.09.2022 | 14:54:03
892 lượt xem

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023 cơ bản được các địa phương hoàn tất. Đáng mừng, tại những tỉnh vùng khó khăn, bên cạnh huy động các nguồn lực xây dựng trường, lớp học; các địa phương cũng chú trọng các điều kiện để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh các khối 3, 7 và 10.

Giáo viên Trường mầm non Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) dọn dẹp, chỉnh trang lớp học chuẩn bị cho ngày khai giảng.

Dù còn nhiều thiếu thốn nhưng có thể nói, các tỉnh khó khăn đã sẵn sàng bước vào năm học mới.

Bài toán giáo viên cho chương trình mới

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Kạn bắt đầu triển khai dạy môn Tin học và môn Ngoại ngữ đối với lớp 3, nhưng một trong những vấn đề đặt ra là thiếu cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Chợ Đồn Hứa Hoàng Anh chia sẻ: Khó khăn ở việc bố trí, sắp xếp lịch học môn Tin học cho học sinh lớp 3 ở các điểm trường chưa có thiết bị dạy học. Trước mắt, chúng tôi sẽ bố trí thời khóa biểu hợp lý trong tuần, vận động các bậc phụ huynh đưa con em ra điểm trường chính để học, sử dụng giáo viên tại chỗ. Phòng GD và ĐT huyện cử 20 giáo viên đi bồi dưỡng môn Tin học phục vụ cho việc giảng dạy tại chỗ. Đối với các trường thiếu giáo viên môn Ngoại ngữ, phòng bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường.

Khắc phục nguy cơ thiếu giáo viên dạy môn Ngoại ngữ và Tin học, Bắc Kạn đã chỉ đạo rà soát nhu cầu tuyển dụng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025 của các cấp học; xây dựng phương án đối với giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) đến hết năm 2030, đặc biệt quan tâm đến năm học 2022-2023. Các đơn vị thực hiện linh hoạt việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên. Những khối lớp triển khai thực hiện trước thì ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định, thực hiện bố trí dạy liên trường, liên cấp và điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Tỉnh tổ chức bồi dưỡng đối với 87 giáo viên sẽ dạy Tin học cấp tiểu học từ năm học 2022-2023.

Hiện tại, tỉnh đã bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3 đối với 114 trường. Trong đó, đối với môn Tiếng Anh, 91 trường đã có giáo viên được tuyển dụng; 13 trường có giáo viên dạy liên trường; 17 trường có giáo viên dạy liên cấp; 8 trường thực hiện hợp đồng mùa vụ; tuyển mới 13 chỉ tiêu; tiếp nhận từ tỉnh ngoài 4 chỉ tiêu. Đối với môn Tin học, 12 trường đã có giáo viên được tuyển dụng; 45 trường có giáo viên dạy liên trường; 24 trường có giáo viên dạy liên cấp; tuyển mới 30 chỉ tiêu; tiếp nhận từ tỉnh ngoài bảy chỉ tiêu; 48 trường đăng ký cử giáo viên tham gia bồi dưỡng trong hè.

Các tỉnh vùng khó khăn sẵn sàng cho năm học mới ảnh 1

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trao 3.000 bộ sách giáo khoa và 20 nghìn quyển vở tặng học sinh nghèo tỉnh Kon Tum.

Cũng như tỉnh Bắc Kạn, năm học 2022-2023, số lượng giáo viên Tiếng Anh, Tin học trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, nguồn giáo viên Tiếng Anh và Tin học tuyển dụng chưa đủ đáp ứng so với chỉ tiêu cần tuyển. Tổng số giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học này là 3.632 giáo viên, tuy nhiên, tính theo số lượng dự kiến thì số giáo viên dạy môn Tin học còn thiếu là 53 người, số giáo viên dạy môn Tiếng Anh còn thiếu là 57 người. Ngành GD và ĐT đang gấp rút có các giải pháp để khắc phục tình trạng này, bảo đảm duy trì chất lượng dạy và học.

Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Đăk Tô (Kon Tum) Nguyễn Văn Hùng cho biết: Phòng GD và ĐT huyện đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp bố trí giáo viên tăng giờ, tăng tiết; hợp đồng giáo viên dạy tự chọn môn Tiếng Anh cho các lớp 4 và lớp 5 tại các trường vùng thuận lợi. Ưu tiên bố trí giáo viên biên chế dạy môn Tin học và Tiếng Anh lớp 3; điều chuyển giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học lớp 3 dạy liên trường trên cùng địa bàn xã, thị trấn để bảo đảm điều tiết trường thừa tiết, thiếu tiết đối với môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3. Bên cạnh đó, Phòng GD và ĐT tham mưu UBND huyện tiếp nhận giáo viên từ nơi khác chuyển đến và có kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên, nhất là giáo viên Tin học, Tiếng Anh và giáo viên đa môn để thực hiện dạy học cả ngày, đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Linh hoạt với thực tế từng địa phương

Bước vào năm học mới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương tập trung thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lựa chọn giáo viên có năng lực chuyên môn tốt để giảng dạy các môn học mới; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, Bắc Kạn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động các nguồn lực để hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo, không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa trước khi vào năm học mới…

Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum cũng chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở GD và ĐT tỉnh tham mưu UBND tỉnh Kon Tum phân bổ, bố trí kinh phí thực hiện là gần 458 tỷ đồng để bổ sung cơ sở vật chất nhằm đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học mới 2022-2023, Sở GD và ĐT tỉnh Kon Tum vận động, kết nối và phối hợp với Sở GD và ĐT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tặng 3.000 bộ sách giáo khoa, 20 nghìn quyển vở cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 200 triệu đồng cho các trường trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa để trang bị tủ sách dùng chung cho các nhà trường, bảo đảm sách giáo khoa và các điều kiện học tập cần thiết cho học sinh.

Tiến sĩ Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết: Sở GD và ĐT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; hướng dẫn, triển khai và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục đúng quy định; tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GD và ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3; tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 7, lớp 10 đang tiến hành khâu thẩm định, tiếp tục hoàn thiện theo quy định.

Ngoài ra, Sở GD và ĐT đã tổ chức biên soạn và phát hành Bộ truyện cổ song ngữ Việt-Xơ Đăng, Việt-Giẻ Triêng và đang tiếp tục biên soạn tài liệu bổ trợ ngôn ngữ dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học nhằm bổ sung nguồn tài liệu gắn liền với văn hóa địa phương tỉnh Kon Tum. Sở GD và ĐT tỉnh Kon Tum cũng chủ động làm việc với các nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng sách trên địa bàn tỉnh để có thể cung ứng sách giáo khoa, dụng cụ học tập, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu sách cục bộ ở các bộ môn, khối lớp; huy động có hiệu quả các nguồn vận động tài trợ sách giáo khoa; tiếp tục triển khai Chương trình “Sách cũ cho năm học mới”. Đến nay, Chương trình này đã nhận và phân bổ về các địa phương hỗ trợ kịp thời cho học sinh gần 200 nghìn cuốn sách.

Tại tỉnh Trà Vinh, ngành giáo dục tỉnh cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gồm chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng yêu cầu học tập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ-thông tin trong quản lý và hoạt động dạy học; thực hiện chuyển đổi số, nhất là thực hiện dạy học trên sóng truyền hình, qua internet, kênh YouTube... Thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong công tác giáo dục của tỉnh Trà Vinh đó là, năm học 2021-2022, tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hơn 10 nghìn thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Riêng thành phố Trà Vinh đang rà soát số lượng giáo viên, xác định giáo viên theo khối lớp, môn học để linh hoạt, bố trí đội ngũ giáo viên bảo đảm cho việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhất là khối lớp 6, lớp 7 và các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Một tín hiệu vui đối với công tác giáo dục tỉnh Trà Vinh đó là, ngày 1/9 tỉnh Trà Vinh đã công bố phát sóng chính thức kênh truyền hình Trà Vinh 2 với chương trình dạy học trên sóng truyền hình. Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Tăng Chí Huấn nêu rõ: kênh truyền hình Trà Vinh 2 chuyên phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, dạy học trên truyền hình cho học sinh, sinh viên và nhân dân trong, ngoài tỉnh bằng hai thứ tiếng là Tiếng Việt và tiếng Khmer với thời lượng 16 giờ/ngày.

Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh phối hợp Sở GD và ĐT tỉnh, tổ chức dạy học môn Toán và Tiếng Việt, Tiếng Khmer cho học sinh bậc tiểu học trên truyền hình theo chương trình của Bộ GD và ĐT; bổ trợ kiến thức cho học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây cũng là giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về GD và ĐT.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cac-tinh-vung-kho-khan-san-sang-cho-nam-hoc-moi-post713585.html

  • Từ khóa