Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành mới đổi mới và tốt lên được

Thứ 2, 05.09.2022 | 08:50:00
779 lượt xem

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022-2023 là năm trọng tâm của đổi mới, do đó, đòi hỏi toàn ngành cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới.

Trước thềm năm học mới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về nhiệm vụ và trọng tâm của năm học mới 2022 - 2023 mà ngành giáo dục đang triển khai. 

Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành mới đổi mới và tốt lên được - 1

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch

Thưa Bộ trưởng, được biết, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục với chủ đề năm học là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Vậy, nhiệm vụ nào là quan trọng nhất trong năm học này?

- Bước vào năm học mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch, đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... Những hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng sẽ là công việc quan trọng mà ngành Giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm.

Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này.

Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn. Do đó, để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, vào cuộc đầy quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành như việc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, những nhiệm vụ về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng cũng như nhiều việc lớn khác đang đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học mới này.

Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành mới đổi mới và tốt lên được - 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành giáo dục mới tốt lên được".

Chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên

Thực trạng thiếu giáo viên đã trở thành vấn đề của ngành trong những năm gần đây, nhất là khi triển khai chương trình mới. Dẫu biết rằng khắc phục được việc này một mình ngành giáo dục không thể làm được. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay và trong thời gian tới?

- Bộ GD&ĐT hiểu những khó khăn về việc thiếu giáo viên trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian vừa qua, Bộ đã tham mưu, đề xuất, thực hiện các giải pháp để khắc phục. Việc kiên trì phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên là một trong những giải pháp như vậy.

Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Trong hướng dẫn này, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu, …

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm và trong thời gian qua, hệ thống đào tạo sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm đã có nhiều chuyển động tích cực. Đầu vào của các trường sư phạm đang tốt hơn, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các Bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Một vấn đề đã xảy ra triền miên từ nhiều năm nay mỗi khi bước vào năm học mới là tình trạng lạm thu của một số nhà trường. Về phía Bộ GD&ĐT, năm nay có động thái gì để giảm được tình trạng này thưa Bộ trưởng?

- Đối với các khoản thu khác ngoài học phí, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn trước đó nhằm "chống lạm thu" đầu năm học mới. Gần đây nhất, trong công văn gửi tới các Sở GD&ĐT về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành mới đổi mới và tốt lên được - 3

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới.

Năm trọng tâm đổi mới

Trong không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Bộ trưởng có chia sẻ và nhắn nhủ gì tới các giáo viên và học sinh?

- Năm học vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vừa phải ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, vừa phải hoàn thành kế hoạch và các nhiệm vụ lớn của ngành, song có thể nói, ngành Giáo dục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học đề ra.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương.

Đặc biệt, tôi xin ghi nhận, cảm ơn, biểu dương toàn thể giáo viên, các cán bộ quản lý bởi những nỗ lực vượt bậc và những cố gắng phi thường trong năm qua.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể các phụ huynh đã đồng hành, đã ủng hộ, đã hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục; đồng thời ghi nhận sự cố gắng của toàn thể học sinh, sinh viên đã vượt qua những khó khăn để học tập và trưởng thành trong một năm gian khó.

Nếu như năm học 2021-2022 là một năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới, do đó, đòi hỏi toàn ngành đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, qua đó đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao cho ngành.

Trước thềm năm học mới, tôi muốn gửi đến tất cả các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

Chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu và chúng ta cùng nhau đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!


Hồng Hạnh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-vien-phai-doi-moi-thi-toan-nganh-moi-doi-moi-va-tot-len-duoc-20220904184853847.htm

  • Từ khóa