Những ngày cuối tháng 8, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã tựu trường. Tiếng đánh vần của các học sinh người Chăm vang lên trong các lớp. Cô giáo Não Thiên Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, toàn trường có 1.628 học sinh, trong đó có hơn 90% là học sinh dân tộc thiểu số.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Thuận Nam) tìm hiểu tài liệu giáo dục địa phương. |
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bước vào năm học mới 2022-2023, đội ngũ giáo viên của trường được tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động chuyên môn dạy học, nhất là các hoạt động đổi mới giáo dục.
Năm học này, trường tiếp nhận 393 cuốn tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 đưa vào giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là những tài liệu mới, lần đầu đưa vào dạy học, được biên soạn công phu với nhiều nội dung về lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu tỉnh Ninh Thuận…
Vì vậy, trường đã sắp xếp giáo viên dạy theo các nội dung chuyên môn phù hợp từng giáo viên bảo đảm gắn với thực tiễn sinh động.
Cũng là trường vùng khó, Trường Trung học cơ sở Trương Văn Ly (huyện Thuận Nam) đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Mộng Thủy, Hiệu trưởng trường cho biết, từ năm 2018, trường được tiếp nhận 6 phòng học xây mới, 6 bảng chống lóa và hệ thống bàn ghế học sinh cùng 3 phòng công vụ giáo viên từ Dự án Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất giai đoạn 2, góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp học.
Trường tiết kiệm từ nguồn học phí mua 15 máy tính để dạy tin học theo chương trình giáo dục phổ thông mới… Đáng chú ý, năm học mới 2022-2023, với 43 cán bộ, giáo viên, trường đã sắp xếp linh hoạt, phù hợp cho từng giáo viên để dạy từng nội dung khác nhau trong giáo dục địa phương.
Góc tài liệu giáo dục địa phương của Trường Trung học cơ sở Trương Văn Ly (huyện Thuận Nam). |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 301 cơ sở giáo dục với gần 148 nghìn học sinh, tăng hơn 3.366 học sinh so năm học trước.
Thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu những nội dung chuyên môn đối với giáo dục trung học được tập huấn từ dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất giai đoạn 2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức tập huấn lại cho cán bộ quản lý, giáo viên theo đúng hướng dẫn.
Sở cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn lồng ghép trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học vào đầu năm học; trong đó chú trọng đổi mới xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục; đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Quá trình đổi mới kiểm tra căn cứ vào quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, quan tâm công tác đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Vì vậy, bước vào năm học mới 2022-2023, đội ngũ 9.604 cán bộ, giáo viên, nhân viên của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục.
Cơ sở vật chất trường lớp học của Ninh Thuận cũng từng bước được cải thiện. Những năm qua, Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất được triển khai, đã xây dựng 32 phòng học, 7 phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh; 3 phòng thư viện; 12 phòng bán trú, 17 nhà công vụ giáo viên…
Bước vào năm học mới, toàn tỉnh có 4.485 phòng học, tăng 187 phòng so với năm học trước, trong đó xây mới 280 phòng học.
Tại các huyện, thành phố trên địa bàn, tỉnh bố trí hơn 185 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học và sửa chữa trường lớp.
Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 145 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 24 trường mầm non, 121 trường phổ thông và dự kiến năm 2022-2023 sẽ có thêm 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
KIM HUỆ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-trong-nam-hoc-moi-post713928.html