Nhiều giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học loại Giỏi nhưng vừa mới đứng trên bục giảng một thời gian ngắn đã tính bỏ nghề vì lương không đủ sống.
Vỡ mộng vì công việc và thu nhập
Trần Trà My, giáo viên môn Địa lý tại một trường THCS ở quận Long Biên (Hà Nội), khẳng định: "Với mức lương như hiện nay, việc giáo viên bỏ lớp chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn là điều dễ hiểu".
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa lý của Đại học Sư phạm Hà Nội, Trà My cầm tấm bằng loại Giỏi đi xin việc với hy vọng ngày ngày được đứng lớp dạy học sinh về các vùng đất, tối về soạn giáo án. Tuy nhiên, đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, Trà My đã phải đối diện với thực tế lương thấp.
Áp lực về tiền lương là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên phải nghỉ việc (Ảnh minh họa: Đặng Dương).
Trà My cho biết, lương của cô hiện tại là 3,4 triệu đồng/tháng, tính theo số tiết dạy. Mỗi tuần cô dạy 17 tiết, nhưng mỗi ngày phải làm việc trung bình 15 tiếng.
Ngoài thời gian đứng lớp, Trà My phải thực hiện các công việc khác, như soạn kế hoạch dạy học, họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, hoàn thiện sổ sách và các cuộc thi, đánh giá dành cho giáo viên.
"Tôi cảm thấy mức lương hiện tại không tương xứng với công sức mình bỏ ra và không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Công việc thực tế khác xa với những gì tôi từng tưởng tượng.
Ngoài áp lực về chuyên môn, tôi còn có những áp lực khác liên quan đến thi viên chức, làm sổ sách, thao giảng, dự giờ, chất lượng học sinh,...", Trà My chia sẻ.
Trà My nhẩm tính, chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà hết khoảng 4 triệu đồng/tháng. Mức lương 3,4 triệu đồng không đủ để cô trang trải cuộc sống. Trà My phải nhận thêm việc trông bán trú cho học sinh để tăng thu nhập.
Không làm thêm thì không đủ sống
Cô giáo Lê Thị Sen mới đi dạy được một tháng và đã từng tính bỏ nghề để làm việc khác. Nhận tấm bằng loại Giỏi của Đại học Sư phạm Hà Nội, Sen đi dạy hợp đồng tại một trường THPT tại Hà Nội.
Tháng vừa qua, cô nhận lương 4,4 triệu đồng trong khi tiền thuê nhà và sinh hoạt phí mỗi tháng hết 3,5-4 triệu đồng. Cô giáo trẻ cho biết, tiền lương hết "nhanh như một cơn gió", nhưng cô lại không thể làm thêm việc gì để trang trải cuộc sống vì không còn thời gian.
Từ ngày đi dạy, cô lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải, vì hằng ngày thường phải thức đến 1 rưỡi sáng để soạn bài. Dạy 14 tiết/tuần nhưng ngoài thời gian đứng lớp, cô còn phải soạn giáo án, thiết kế bài giảng trên Powerpoint, chấm bài...
Với công sức và thời gian bỏ ra như vậy, cô cho rằng mức lương mình nhận được như hiện tại là chưa thỏa đáng. Với số tiền này, cô phải hạn chế chi tiêu hết mức và giảm một số nhu cầu giải trí.
Giáo viên lội suối vào các điểm trường để dọn dẹp sau lũ (Ảnh minh họa: ND).
"Là một người mới ra trường và đi dạy, tôi vỡ mộng vì công việc khác xa với hình dung. Tôi từng có suy nghĩ bỏ nghề giáo để đi làm việc khác, nhưng nghĩ đến việc bố mẹ đã vất vả nuôi mình ăn học mà tôi lại bỏ nghề thì phụ công bố mẹ quá, tôi phải tiếp tục bám trụ.
Ngoài áp lực về lương, tôi còn phải đối mặt với những áp lực đứng lớp, những tiết học dự giờ, do mình mới ra trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm", cô giáo Sen bộc bạch.
Một trường hợp khác là cô Vũ Thị Tuyết - giáo viên mầm non tại Ninh Bình. Cô đã đi dạy 5 năm nhưng lương cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng. Sau giờ lên lớp, cô đi lấy hàng để giao cho khách. Nghề tay trái là bán hàng online giúp cô có thêm "đồng ra đồng vào".
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Đại học Hoa Lư, chuyên ngành Giáo dục Mầm non, cô Tuyết đi dạy tại một trường mầm non công lập được hơn 1 năm rồi nghỉ việc, mức lương 2,5 triệu đồng/tháng không đủ cho cô chi tiêu. Cô chuyển sang một trường mầm non tư thục, có lương khá hơn nhưng cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng.
Giáo viên mầm non "quần quật" từ sáng đến tối, lương 4 triệu đồng (Ảnh minh họa: Hồng Hạnh).
Cô Tuyết kể, ngày nào cũng vậy, 6 rưỡi sáng cô có mặt ở trường để dọn dẹp lớp học, sẵn sàng đón trẻ vào lớp. Cả ngày cô luôn tay, luôn chân với các công việc như cho trẻ ăn sáng, tập thể dục, vệ sinh, dạy học, cho trẻ ăn trưa, đi ngủ, ăn bữa chiều, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi. Đến 5-6 giờ chiều, khi đã trả hết trẻ, cô dọn dẹp lớp học xong mới về nhà.
Vất vả nhất là cho trẻ ăn, cô Tuyết ví mỗi bữa ăn như "một cuộc chiến", vì trẻ 2-3 tuổi chưa thể tự xúc ăn, dễ làm đổ thức ăn ra ngoài, nhiều bé kén ăn, lười ăn. Các cô thường phải đút cho các con, phải quan sát thật kỹ trong giờ ăn xem các con có ăn hết suất không. Hôm nào có bé bị mệt, quấy thì cô giáo sẽ phải chăm sóc xuyên trưa.
Ngoài việc đứng lớp, làm đồ dùng giáo dục sao cho thật sáng tạo, vui nhộn để trẻ hứng thú, các cô giáo mầm non còn phải làm nhiều "việc không tên" khác. Mỗi khi tới ngày lễ, các cô phải lên ý tưởng, làm đồ trang trí cho các con đón lễ. Sau những kỳ nghỉ hè, lớp lại tiếp nhận thêm nhiều trẻ mới đi học, không quen lớp học và khóc nhè, các cô vừa phải bồng bế, dỗ dành, vừa trông nom các bé khác.
"Những công việc đó cứ lặp đi, lặp lại hàng ngày vậy nên đôi khi bản thân tôi cũng cảm thấy chán nản. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ thì khó có thể trụ được. Từ xưa đến nay, giáo viên mầm non đã là một nghề cực kì vất vả, nhưng lương thì vẫn chưa được cải thiện xứng đáng.
Mức lương hiện tại không đủ cho tôi chi tiêu. Tiền lương còn không đủ để tôi mua sữa cho con và trang trải chi phí đi lại", cô Tuyết chia sẻ.
Tăng lương cho giáo viên không phải vấn đề mới, nhưng luôn "nóng". Ngày 17/11/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân khi ấy là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Đến nay đã gần 15 năm trôi qua, trải qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng nhiều giáo viên vẫn đang sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, tình yêu để đứng lớp khi áp lực trong và ngoài lớp đè nặng.
Một trong những áp lực đó chính là câu chuyện tiền lương dành cho giáo viên còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế...
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Theo dantri.com.vn