Bước vào năm học mới, tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền trung vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, giảng dạy của thầy và trò.
Trường tiểu học Liên Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phải lấy thư viện làm phòng học. |
Tình trạng thiếu giáo viên, phòng học đã diễn ra nhiều năm ở cả các quận, huyện khu vực thành thị cũng như các huyện miền núi.
"Điệp khúc" thiếu giáo viên
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Ðà Nẵng, đối với biên chế đội ngũ ở bảy quận, huyện, Sở Nội vụ thành phố Ðà Nẵng đã có quyết định giao số lượng người làm việc năm học 2022-2023 là 10.794, tăng 120 chỉ tiêu so với năm học 2021-2022, bao gồm 37 chỉ tiêu bậc tiểu học và 83 chỉ tiêu bậc trung học cơ sở. Sở Giáo dục và Ðào tạo và Ủy ban nhân dân các quận, huyện đang rà soát tổng hợp, xây dựng kế hoạch và báo cáo Sở Nội vụ thẩm định, phê duyệt để tổ chức tuyển dụng. Việc luân chuyển giáo viên thì căn cứ vào nguyện vọng chuyển công tác của viên chức và nhu cầu tiếp nhận của các đơn vị để thực hiện theo thẩm quyền phân cấp quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều cấp học tại thành phố Ðà Nẵng, trong đó đặc biệt là giáo dục tiểu học.
Cô giáo Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết: "Năm học 2022-2023 nhà trường gặp nhiều thách thức về con người. Với 39 lớp, chúng tôi thiếu 8 giáo viên, trong đó có giáo viên thể dục, giáo viên văn hóa. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, môn tiếng Anh lớp 1, 2 đã được đưa vào giảng dạy. Mặc dù là môn tự chọn nhưng trường phải xây dựng thời khóa biểu chính khóa dẫn đến thiếu tiếp hai giáo viên tiếng Anh. Số giáo viên hiện có của trường không thể duy trì việc dạy học 10 buổi/tuần được mà chỉ có thể tổ chức được 32 tiết/tuần, tương đương với 9 buổi/tuần, toàn trường buộc phải nghỉ vào chiều thứ 6. Kinh phí được cấp trên tổng số giáo viên và học sinh cho nên trường không thể ký hợp đồng thêm giáo viên để bảo đảm tổ chức dạy học 10 buổi/tuần".
Một trong những bất cập trong tuyển dụng giáo viên là tình trạng một số địa phương, Phòng giáo dục và đào tạo không được giao trực tiếp quản lý đội ngũ này mà chỉ được giao quản lý chuyên môn. Ngoài ra, việc quy định chỉ được ký hợp đồng giảng dạy thời gian ba tháng cho nên người lao động không mặn mà vì lương quá thấp, không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không có chế độ thưởng Tết, lễ như giáo viên hợp đồng theo biên chế.
Tình trạng thiếu giáo viên khiến một số trường tiểu học khác trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng không bảo đảm tổ chức dạy học được 32 tiết/tuần. Một số trường tiểu học như Lý Công Uẩn, Lý Tự Trọng... không đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm. Việc tìm giáo viên hợp đồng cũng rất khó do chỉ có thể ký hợp đồng 3 tháng/lần trong khi chờ phân bổ biên chế.
Tại tỉnh Quảng Nam, đầu tháng 8/2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Nam (huyện Nam Trà My) ký hợp đồng lao động với năm giáo viên cho cả hai bậc học; trong số này có hai giáo viên ký hợp đồng lại. Cả năm giáo viên này đều được đào tạo để đứng lớp ở bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, có bốn thầy cô được nhà trường ký hợp đồng để dạy tiểu học. Vì vậy, nhà trường phải ký hợp đồng sớm từ tháng 8 để bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên hợp đồng, đáp ứng yêu cầu dạy tiểu học. Tương tự, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng, huyện Nam Trà My, khi cận kề năm học mới vẫn phải ráo riết tìm giáo viên tiếng Anh để ký hợp đồng dạy học.
Một trong những bất cập trong tuyển dụng giáo viên là tình trạng một số địa phương, Phòng giáo dục và đào tạo không được giao trực tiếp quản lý đội ngũ này mà chỉ được giao quản lý chuyên môn. Nhiều Phòng giáo dục và đào tạo không nắm được nhân sự, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, việc quy định chỉ được ký hợp đồng giảng dạy thời gian ba tháng cho nên người lao động không mặn mà vì lương quá thấp, không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không có chế độ thưởng Tết, lễ như giáo viên hợp đồng theo biên chế.
Trường, lớp xuống cấp
Sĩ số học sinh lớp gia tăng khi biến động về dân số ngày càng cao tại một số đô thị lớn kéo theo hệ lụy thiếu phòng học. Nhiều trường tiểu học tại trung tâm thành phố Ðà Nẵng đã phải cơi nới, chia thêm phòng học mới đủ đáp ứng cho học sinh đầu cấp.
Vào năm học mới, hàng trăm học sinh ở xã Sơn Thủy, Hưng Thủy, Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) gặp nhiều khó khăn do phòng học đã xuống cấp, bị lũ lụt làm hư hỏng. Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phú Thủy cho biết, từ năm 2020, dãy tám phòng học cấp bốn của trường xuống cấp, sập một phần mái, địa phương đánh giá không thể sử dụng được, buộc phải tháo dỡ. Từ đó đến nay, chưa có nguồn vốn xây mới khiến trường thiếu phòng học. Học sinh được bố trí học trong các phòng chức năng hoặc học ghép, khiến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng rất lớn.
Nằm ở địa bàn khó khăn nhất của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa có bốn điểm trường. Ngoài trường trung tâm còn có ba điểm trường tại các bản: Kè, Cáo, Chuối với tổng số khoảng 275 học sinh.
Những năm qua, mặc dù được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng điểm trường bản Chuối có hơn 70 em học trong hai phòng xây dựng từ năm 1990, đã xuống cấp trầm trọng. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tuyên Hóa, khảo sát năm 2022, toàn huyện cần đầu tư xây dựng mới hơn 200 phòng học, phòng chức năng; sửa chữa, nâng cấp gần 90 phòng học và khoảng hơn năm tỷ đồng để mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tuyên Hóa là huyện miền núi nghèo cho nên không thể đáp ứng trong thời gian ngắn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Bình, Mai Thị Liên Giang cho biết: Công tác tăng cường đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học cho giáo dục luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các nhà trường quan tâm. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học văn hóa đạt 85,46%, phòng học bộ môn đạt 93,11%, phòng phục vụ học tập đạt 88,18%; vẫn còn 52 phòng học nhờ (tỷ lệ 0,66%). Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu, nhất là trường mầm non, các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vẫn còn phòng học tạm, phòng học đã xuống cấp, phòng học nhờ.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ giao đủ biên chế giáo viên theo định mức đối với các trường học và cơ sở giáo dục theo đúng quy định, không nên cắt giảm biên chế của ngành giáo dục một cách cơ học; khi quy mô học sinh tăng, lớp tăng thì phải bổ sung biên chế giáo viên để thực hiện nhiệm vụ dạy học theo quy định; có cơ chế đặc thù đối với việc giao biên chế giáo viên cho các địa phương trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Ðảng và Nhà nước.
Ngọc Đào - Hương Giang/nhandan.vn
https://nhandan.vn/som-khac-phuc-tinh-trang-thieu-phong-hoc-giao-vien-post714575.html