Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện nay có 232 trường đại học, tuy nhiên, số giảng viên có chức danh Giáo sư đang tham gia giảng dạy chỉ có 0,89% và Phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học (GDĐH), tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người.
Nguồn Bộ GD&ĐT.
Trong đó, số giảng viên có chức danh Giáo sư đang tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ 0,89%.
Số giảng viên có chức danh Phó giáo sư là 6,21%.
Số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19%
Số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35% và giảng viên trình độ đại học là 7,36%.
Tỷ lệ đội ngũ nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay như sau:
Tỷ lệ đội ngũ nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học (nguồn Bộ GD&ĐT).
Trong khi đó, quy mô tuyển sinh từ năm học 2018 - 2019 và năm học 2019 -2020 như sau:
Nguồn Bộ GD&ĐT.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả nước có 232 trường đại học. Bộ GDĐT thống kê đến hết năm 2021, cơ cấu nhân lực tại các trường như sau: Tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của trường chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, hơn gấp đôi số cán bộ quản lý và chuyên viên hành chính.
Trong thời gian gần đây, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở GDĐH ngày một tăng thêm (tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021).
Đào tạo năng lực, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đã được các Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua như: Đề án 322, 599, 911 và hiện tại là Đề án 89.
Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm (tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5-6%/năm).
Tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm mạnh (giảm trên 50% từ 2016 đến 2021).
Thực tế cho thấy các trường đang có chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, so với số lượng quy mô sinh viên và trường đại học hiện nay, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sụt giảm mạnh.
Ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm
Theo thống kê của Dân trí, nguồn số lượng giáo sư, phó giáo sư trong nước hiện nay đang giảm mạnh nhất là khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ - TTg xét giáo sư, phó giáo sư.
Cụ thể, năm 2015, cả nước có 52 Giáo sư và 470 Phó giáo sư đạt tiêu chuẩn chức danh, trong tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607).
Đến năm 2016, cả nước có 64 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 638 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư tăng hơn so với năm 2015.
Được biết, năm 2016, cả nước có 931 người đăng ký hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong đó, 118 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh giáo sư, 813 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh phó giáo sư) tại 107 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGS) .
Năm 2017, là một năm biến động và đầy tai tiếng nhất trong lịch sử xét giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam. Số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Hội đồng GSNN cho biết, số ứng viên tăng là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016 và đây là năm cuối xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.
Đến năm 2018, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét tuyển đầu tiên theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2018.
Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg thì số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh. Cả nước có 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn giáo sư và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.
Năm 2020, số lượng đăng ký xét giáo sư, phó giáo sư cũng giảm mạnh, có 87 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 542 hồ sơ ứng viên, trong đó có 77 hồ sơ ứng viên GS, 465 hồ sơ ứng viên PGS.
Kết quả, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 62,55% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên GS là 50,65%, ứng viên PGS là 64,52%).
Năm 2021, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2021 cho 405 ứng viên, bao gồm 42 GS và 363 PGS.
Năm 2022, Hội đồng giáo sư căn cứ trên cơ sở đánh giá chất lượng đã đề nghị 447 ứng viên lên vị trí giáo sư, phó giáo sư. So với năm 2021, số lượng này giảm xuống 4 người.
Trước đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư. Độ tuổi ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư ngày càng trẻ hơn từ 45- 55 tuổi. Tuy nhiên, số lượng giáo sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đến một nửa.
Nhật Hồng/dantri.com.vn