Nhiều thí sinh điểm cao vẫn rớt nguyện vọng 1 và tìm cơ hội ở các nguyện vọng xét tuyển bổ sung. Thí sinh cần cẩn trọng với cơ hội còn lại và không phải bằng mọi giá để đậu đại học vào ngành không phù hợp
Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022, chiều 16-9, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talk show - tư vấn trực tuyến chủ đề "Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển". Chương trình có sự tham gia của chuyên gia tuyển sinh giàu kinh nghiệm cùng đại diện các trường ĐH tại TP HCM.
Tiếc nuối nhưng không bỏ cuộc
Những thí sinh không trúng tuyển ở đợt 1 xét tuyển vừa qua đã gửi chia sẻ tới chương trình bày tỏ cảm giác tiếc nuối. Ngoại trừ điểm số, cách thức đăng ký nguyện vọng không phù hợp cũng khiến thí sinh không trúng tuyển vào ngành, trường mà lẽ ra đã có thể trúng tuyển.
Gửi câu hỏi để được tư vấn, thí sinh Lê Tấn Kiệt bày tỏ tiếc nuối khi điểm thi đạt 25,4 đăng ký vào một ngành nhưng điểm chuẩn 25,6, thí sinh hỏi giờ em phải làm gì…? Chia sẻ với thí sinh, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đánh giá thực sự điểm của em khá cao nhưng vẫn bị rớt là điều rất tiếc. Theo TS Lý, nếu em đăng ký nguyện vọng đúng cách thì có thể đã không bị rớt khỏi ngành mà em muốn lựa chọn. "Giờ thì em phải chấp nhận một ưu tiên tiếp theo là đúng ngành phù hợp nhưng phải chấp nhận vào trường có ngành đó nhưng độ yêu thích thấp hơn" - TS Lý nêu thực tế.
Các chuyên gia, đại diện các trường đại học trao đổi và tư vấn cho thí sinh trong chương trình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phải đến sau ngày 30-9, khi thời gian xác nhận trúng tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết thúc mới có nhiều thông tin về tuyển sinh bổ sung nhưng hiện nay đã có những trường cho biết sẽ xét tuyển bổ sung. Rất nhiều câu hỏi của thí sinh gửi đến ban tư vấn bày tỏ sự tiếc nuối và muốn tìm kiếm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung dù mức điểm của thí sinh có sự cao thấp khác nhau.
Năm nay, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM (UMT) lần đầu tiên ra mắt và tuyển sinh nhưng không vì vậy mà các ngành học ở đây kém thu hút thí sinh. ThS Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng Phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh của trường này, cho hay sau khi có kết quả xét tuyển, điểm chuẩn của trường theo phương thức học bạ là 6, kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP HCM là 600, điểm thi tốt nghiệp THPT là 15.
Trong khi đó, thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), thông tin trường đã công bố điểm chuẩn với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các ngành có điểm chuẩn từ 17-21. Trong đó, ngành dược có điểm chuẩn cao nhất với 21 điểm.
Các nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khoa học máy tính năm nay có điểm chuẩn là 20, tăng 2 điểm so với các năm. Các ngành còn lại 17-18 điểm. Trường cũng dự kiến tuyển bổ sung dựa vào kết quả học bạ THPT.
Nhiều ngành học "hot" tuyển bổ sung
"Với những em không đậu ở đợt xét tuyển chính thức, vẫn còn cơ hội trong đợt tuyển bổ sung của trường, nhận hồ sơ đến ngày 5-10 ở tất cả các ngành" - ThS Dương Trần Minh Đoàn nói. UMT bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, truyền thông đa phương tiện, quản lý thể dục thể thao theo các phương thức như xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT…
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết còn nhiều ngành sẽ tuyển bổ sung như công nghệ vật liệu, quản lý năng lượng, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà trường dự báo không có sự thay đổi về điểm trúng tuyển so với đợt 1, nghĩa là điểm trúng tuyển của các ngành bổ sung vẫn giữ 16 điểm.
Trong chương trình, nhiều thí sinh quan tâm đến ngành bất động sản. ThS Dương Trần Minh Đoàn cho biết với chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, ngành bất động sản tại UMT hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo 2 chuyên ngành nổi bật đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của thị trường là đầu tư - phát triển bất động sản và kinh doanh - dịch vụ bất động sản với khối kiến thức, kỹ năng liên quan đến bất động sản, tài chính, đầu tư, quy hoạch, kinh doanh và pháp luật.
Truyền thông đa phương tiện cùng ngành xây dựng của Trường ĐH Công nghệ TP HCM nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Ông Võ Ngọc Nhơn cho biết truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành đào tạo có tiếng tại trường. "Với lĩnh vực xây dựng, đây là một lĩnh vực cốt lõi, không thể thiếu nên dù trong hiện tại hay tương lai, vẫn sẽ luôn cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao" - ông Nhơn nói.
Huy Lân - Nguyễn Thuận/nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/con-co-hoi-cho-thi-sinh-chua-trung-tuyen-20220916224621483.htm