Việt Nam có hơn 400 chương trình đại học liên kết đào tạo với nước ngoài

Thứ 7, 17.09.2022 | 14:58:39
968 lượt xem

Ở bậc đại học, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ GDĐT cấp phép.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Hợp tác và đầu tư trong giáo dục 2022, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Tham dự hội nghị có đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.

Hội nghị là nơi chia sẻ nhu cầu và kinh nghiệm về hợp tác, đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời hỗ trợ tổ chức, cá nhân có nhu cầu về hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác, đầu tư trong giáo dục.

Sự kiện này hướng đến tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NĐ-CP, thúc đẩy hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Thiết lập mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập phủ rộng cả nước.

Việt Nam có hơn 400 chương trình đại học liên kết đào tạo với nước ngoài - 1

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc.

Chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Chất lượng nền giáo dục của Việt Nam được nâng lên 5 bậc, đạt thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021. Việt Nam đã có một số trường đại học trong các bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, Việt Nam cũng đạt kết quả cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút và luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo.

"Việt Nam là quốc gia có số lượng lớn dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao. Việt Nam là một quốc gia có nền an ninh, chính trị ổn định và có chính sách visa giữa các nước trong khu vực thông thoáng. Vì vậy, đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục và thực hiện các chương trình giáo dục có chất lượng cao tại Việt Nam không chỉ thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam mà còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế. Do đó, cơ hội và tiềm năng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam là rất lớn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Tại hội nghị, ông Mark Tattersall - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho biết, GDĐT là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước; đồng thời đề cao những thành tựu của giáo dục Việt Nam cùng sự cởi mở của Việt Nam trong hợp tác, tiếp cận đầu tư.

Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết, năm học 2020-2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỉ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Ở bậc đại học, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ GDĐT cấp phép thực hiện. Đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều chương trình liên kết đào tạo với Việt Nam là Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Úc (37 chương trình), Hàn Quốc (27 chương trình).

Cục Hợp tác quốc tế khuyến nghị, các nhà đầu tư cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các địa phương, xây dựng và thực hiện các dự án thực sự chất lượng. Các địa phương cần có chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất cho giáo dục; hỗ trợ tối đa hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Các cơ sở giáo dục đại học chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh; chủ động xây dựng các chương trình nghiên cứu hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo viên, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến.

Thu hút đầu tư giáo dục

Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục trong nước, các học giả có uy tín của một số cơ sở giáo dục nước ngoài đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh thu hút hợp tác, đầu tư; hợp tác đầu tư trong giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

Đáng chú ý là các tham luận về thu hút đầu tư trong giáo dục của Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh; Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư các tỉnh Quảng Ninh và Đà Nẵng,…

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, song song xu thế học tập nước ngoài, sinh viên miền Trung có nhiều lựa chọn hơn với các trường quốc tế tại Đà Nẵng. Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều phụ huynh có xu hướng mong muốn con học gần nhà, tiết kiệm chi phí và an toàn. Bà Phương cũng thông tin chi tiết về quy trình đầu tư, những chính sách ưu đãi của thành phố Đà Nẵng dành cho các nhà đầu tư giáo dục. Các nhà đầu tư đều có thể liên hệ bộ phận một cửa hoàn toàn miễn phí của Đà Nẵng để được hỗ trợ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức.

Một số nhà đầu tư lớn, uy tín trình bày về kế hoạch, chương trình đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thời gian tới như: đại diện Trường Đại học RMIT, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Trường Đại học Anh quốc, Trường Quốc tế Mỹ - Việt Nam.

Ông Paul Oppenheimer, Giám đốc vận hành Trường Đại học RMIT Việt Nam đánh giá cao những đổi mới trong hành lang pháp lý về GDĐT của Việt Nam, và cho biết RMIT đã gia tăng đáng kể các khoản đầu tư tại Việt Nam cũng như luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu đào tạo các ngành nghề.

Các tổ chức giáo dục lớn, uy tín trên toàn thế giới như Hội đồng Anh, Tổ chức Giáo dục Cambridge, Trường Đại học Waikato (New Zealand),… chia sẻ về đảm bảo chất lượng các chương trình giáo dục, các mô hình phát triển giáo dục quốc tế mới, kinh nghiệm trong thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Những ý kiến, đề xuất tại hội nghị được Bộ GDĐT tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối, hợp tác trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của giáo dục Việt Nam.


Bình An/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/viet-nam-co-hon-400-chuong-trinh-dai-hoc-lien-ket-dao-tao-voi-nuoc-ngoai-20220917132410579.htm

  • Từ khóa