Học sinh đến trường không còn nỗi lo học phí

Chủ nhật, 18.09.2022 | 09:06:05
803 lượt xem

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết liên quan đến học phí năm học 2022-2023. Đây là năm học thứ hai liên tiếp, TP Hà Nội không tăng mức học phí và hỗ trợ 50% mức thu học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông.

Học phí luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm. Trước đó, trong năm học 2021-2022, TP Hà Nội cũng không tăng học phí để cùng chia sẻ với người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 30 quận, huyện của Hà Nội được chia thành 3 vùng. Vùng thành thị gồm các phường và thị trấn; nông thôn là các xã (trừ xã miền núi), còn lại thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dù mức học phí một số vùng tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022, tuy nhiên chính quyền thành phố sẽ bù phần chênh lệch của học phí năm nay so với năm ngoái, tương đương hơn 520 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023, phần hỗ trợ này khoảng 600 tỷ đồng. Tổng ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.

Học sinh đến trường không còn nỗi lo học phí
 Học sinh Trường Mầm non Phú Diễn A, quận Bắc Từ Liêm vui đến trường.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn thông tin: Việc tăng học phí trong năm học 2022-2023 là yêu cầu phải thực hiện theo lộ trình Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ để từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí trong năm học 2022-2023.

Đầu năm học là thời điểm phụ huynh thường phải đóng nhiều khoản tiền cho con theo quy định. Vì thế, việc lo tiền học cho con trở thành gánh nặng không nhỏ với không ít gia đình. Có 3 con đang theo học lớp 10, lớp 7 và mầm non, chị Trần Hải Yến (trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, chính sách mà Hà Nội vừa thông qua là một chủ trương rất thiết thực. Trong điều kiện đời sống người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, việc được giảm bớt khoản nào cũng tốt, nhất là với những gia đình có đông con đang ở độ tuổi đi học.

Đồng tình với nghị quyết về hỗ trợ học phí mà thành phố vừa thông qua, cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm cho rằng, chính sách này của Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố với sự nghiệp giáo dục. Cô Tuyết nói: “Chính sách không chỉ dừng lại ở những con số mà quan trọng hơn là sự quan tâm thiết thực, kịp thời của thành phố đã tạo niềm tin, động lực mạnh mẽ cho các em học sinh vươn lên gặt hái nhiều thành tích trong học tập, phấn đấu trở thành những công dân tốt trong tương lai”.

Để chính sách nhân văn đi vào cuộc sống chính là đúng đối tượng thụ hưởng. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, do tác động của dịch và sự biến động của xã hội hiện nay, Hà Nội có hai đối tượng cần quan tâm đến. Đó là con công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất, không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và con của người lao động thuộc đối tượng di dân của thành phố, số này khá đông. Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định. Do vậy, Hà Nội cần xem xét, đưa họ vào đối tượng được hỗ trợ.


KHÁNH HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/hoc-sinh-den-truong-khong-con-noi-lo-hoc-phi-705722

  • Từ khóa