Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.
Quang cảnh hội thảo.
Báo cáo sự cần thiết phải xây dựng, ban hành 2 Đề án, Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho biết, trong 10 năm qua (2011-2020), giáo dục mầm non đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc. Từ cấp học còn nhiều khó khăn, đến nay, giáo dục mầm non đã phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường, lớp.
Hiện nay, cả nước có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non và có hơn 16 nghìn cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,3%, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập chiếm 23,2%; có 206.588 phòng học, trong đó có 80% phòng học kiên cố; có hơn 377 nghìn giáo viên mầm non; 51,4% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Trong bối cảnh kế thừa kết quả giáo dục mầm non giai đoạn trước, việc ban hành và thực hiện 2 Đề án giai đoạn 2023-2030 thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm củng cố vững chắc chất lượng giáo dục mầm non, từng bước nâng cao và giảm thiểu khoảng cách giữa vùng thuận lợi và khó khăn, bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng 2 Đề án quan trọng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập để xây dựng chương trình, tiến hành khảo sát vùng khó khăn, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và tiến tới xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi.
Đề án cần được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các mục tiêu, giải pháp, lộ trình cũng như việc tuyển dụng đội ngũ, đào tạo đội ngũ; công tác đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo, nhất là khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho các cơ sở giáo dục mầm non và đối với vùng khó khăn.
Các đại biểu lưu ý phải nhấn mạnh sự cần thiết phổ cập giáo dục mầm non 3-4 tuổi, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách giải pháp quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đổi mới giáo dục, chương trình, phương pháp nuôi dưỡng, cũng như sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai.
QUỲNH NGUYỄN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tiep-tuc-dau-tu-phat-trien-giao-duc-mam-non-giai-doan-2023-2030-post716272.html