Cụm từ “tăng sốc-giảm sâu” được dư luận nhắc tới nhiều khi nói về điểm trúng tuyển đại học (ĐH) đợt 1 năm 2022 theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của nhiều trường ĐH vừa qua.
Điểm chuẩn một số trường đại học tuy không vượt đỉnh nhưng cũng xấp xỉ điểm tối đa, nhưng cũng có ngành điểm lại “rớt” gần 10 điểm so với năm trước... Những “hỗn loạn” trong hệ thống phương thức tuyển sinh dẫn tới nhiều lo lắng và băn khoăn về các phương án tuyển sinh trong năm học này, cũng như thời gian tới.
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn. |
Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có đến 3 ngành xét tổ hợp C00 điểm chuẩn cao nhất là 29,95 điểm (thang điểm 30) gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học, quan hệ công chúng. Tiếp đến là ngành báo chí (tổ hợp C00) điểm chuẩn là 29,9 điểm.
Nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn "chạm trần" có thể thấy ngay là chỉ tiêu tuyển sinh (theo phương thức xét điểm thi THPT) quá ít, trong khi số lượng đăng ký nguyện vọng lại nhiều, có ngành có tỷ lệ 1 chọi hơn 500 thí sinh. Mặt khác, điểm thi tốt nghiệp THPT vượt trội ở những môn thi có tham gia tổ hợp xét tuyển cũng góp phần đẩy điểm chuẩn cao lên bất thường.
Ngành sư phạm năm nay cũng có nhiều biến động khi có điểm chuẩn cao hơn những năm trước. Năm nay 6 ngành sư phạm (Trường ĐH Quy Nhơn) điểm chuẩn là 28,5 điểm. So với năm 2021, có 3 ngành tăng 9,5 điểm. Ngoài ra, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, các ngành sư phạm có điểm chuẩn đều tăng từ 6,5 đến 13,17 điểm.
Ngoài nguyên nhân chỉ tiêu tuyển sinh ít và điểm thi THPT loại giỏi tăng lên, các ngành sư phạm có điểm chuẩn cao còn do những chính sách ưu đãi của ngành sư phạm và đặc biệt liên quan tới nhu cầu giáo viên cấp thiết, đáp ứng đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Nhóm các ngành “hot” của thời đại công nghệ 4.0 như công nghệ thông tin và khoa học máy tính đã và sẽ tiếp tục có điểm chuẩn cao vào những năm tới. Trong khi đó khối các trường sức khỏe (y và dược) điểm chuẩn lại giảm. Có ngành giảm tới 6 điểm và không có ngành nào tăng điểm so với năm 2021.
Đơn cử, Trường ĐH Y Hà Nội luôn có điểm chuẩn dẫn đầu trong các trường ĐH trong nhiều năm qua, nay điểm chuẩn cũng giảm cả ở chuẩn tối thiểu và chuẩn tối đa. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm nay 18,1-26,65 điểm, trong khi năm 2021 khoảng 21,35-27,35 điểm. Trường ĐH Y Dược Hải Phòng có ngành phải lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05 điểm) nhưng mới tuyển được 70% kế hoạch tuyển sinh.
Nguyên nhân cơ bản khiến các ngành trường khối sức khỏe giảm ở cả hai phía: Số lượng thí sinh đăng ký ít và kết quả thi tốt nghiệp THPT ở khối B năm nay thấp hơn năm 2021. Số bài thi điểm 10 giảm tới 98% và số thí sinh đạt 27,5 điểm trở lên trong tổ hợp B00 giảm gần 2 lần so với năm 2021. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, số thí sinh theo học khối ngành này giảm do yếu tố xã hội, tác động tâm lý của dịch Covid-19, khiến thí sinh không muốn theo học...
Thiếu sót cơ bản của kỳ thi và tuyển chọn vào ĐH năm nay là quá rắc rối. Nhiều phương án tuyển sinh gây vất vả cho người tổ chức tuyển sinh, học sinh và phụ huynh. Phải chăng cần xây dựng các đề án tuyển sinh chung theo khối các trường, như khối: Công nghệ, sức khỏe, kinh tế, sư phạm...
Có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện cần cho tất cả các đề án tuyển sinh. Cần chủ động, đón đầu xu hướng thí sinh đăng ký vào khối sư phạm tăng do các trường ĐH có chính sách tăng học phí. Các trường khối công nghệ và khoa học máy tính vẫn sẽ thu hút nhiều thí sinh bởi đây là xu thế của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Cùng với đó, để hạn chế những biến động khó lường này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới quy chế tuyển sinh vào ĐH cho các năm 2023, 2024 và sớm công bố kế hoạch tuyển sinh vào ĐH cho năm 2025.
ĐẶNG TỰ ÂN (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông)
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/bat-thuong-diem-chuan-dau-vao-dai-hoc-706353