Trong những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng đã khẳng định được vai trò, vị trí trong việc góp phần nâng cao dân trí và có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng được thành lập với hình thức hoạt động đa dạng, đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy" của mọi lứa tuổi.
Lớp xóa mù chữ do Trung tâm học tập cộng đồng xã Ðại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh tổ chức. (Ảnh LAN ANH)
Theo Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Ðức Minh, cả nước có 10.912 trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 95,14% xã, phường, thị trấn. Số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại trung tâm học tập cộng đồng là hơn 14 triệu lượt người (tăng hơn 477 nghìn lượt người so với năm học 2020-2021). Một số địa phương đã thu hút được nhiều lượt người tham gia học tập tại trung tâm học tập cộng đồng như: TP Hồ Chí Minh (hơn 3 triệu lượt người), Nghệ An (1.236.621 lượt người), Thái Bình (904.151 lượt người); Vĩnh Long (497.412 lượt người)... Nhiều địa phương khác cũng đã huy động được hàng trăm nghìn lượt người tham gia học tập chuyên đề, bồi dưỡng tại các trung tâm học tập cộng đồng như Ninh Bình, Bạc Liêu...
Là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Ðại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo Hòa Bình cho biết: Hiện tại, toàn tỉnh có 151 trung tâm học tập cộng đồng ở tại 151 xã, phường, thị trấn; có 1.597 câu lạc bộ phát triển cộng đồng thôn với 4.872 nhóm thành viên với 91.867 người tham gia. Một trong những hoạt động thường xuyên của các trung tâm học tập cộng đồng là người dân được nghe báo cáo thời sự, chính trị, trao đổi, phổ biến các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước; chủ trương của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội; thảo luận những chương trình công tác sắp triển khai của địa phương theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Nhận thức rõ chức năng nhiệm vụ và vị trí của trung tâm học tập cộng đồng, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm chỉ đạo việc tổ chức và thực hiện có hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo, tại tỉnh Phú Thọ hiện có 109 trung tâm học tập cộng đồng có tủ sách riêng, 87 trung tâm học tập cộng đồng có máy tính kết nối internet. Mỗi trung tâm học tập cộng đồng đều có thư viện với hàng nghìn đầu sách phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức người học; có máy tính, bàn ghế đầy đủ để tập huấn các lớp học tập theo nhu cầu của người học đáp ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Trong tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021, toàn tỉnh có 381 lớp chuyên đề về các lĩnh vực giáo dục, kỹ năng sống, dạy nghề lao động cho nông thôn, kỹ thuật nông nghiệp chuyển giao công nghệ... thu hút 1.631 lượt người tham gia. Năm 2021-2022, toàn tỉnh có 1.678 số các chuyên đề đã thực hiện với 202.838 số lượt người dân tham gia học tập.
Năm học 2021-2022, các địa phương đã chỉ đạo tập trung phát triển trung tâm học tập cộng đồng chú trọng bằng các giải pháp như hỗ trợ kinh phí; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên biệt phái; phát triển tài liệu của địa phương đáp ứng nhu cầu người học; triển khai học tập các mô hình hoạt động hiệu quả; thiết lập mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng trong công tác điều tra nhu cầu người học... Một số sở giáo dục và đào tạo đã tích cực chỉ đạo việc thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành giáo dục đối với trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế công tác tổ chức, quản lý tại các trung tâm học tập cộng đồng đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên thay đổi, nên trong công tác điều hành, quản lý còn nhiều lúng túng; nội dung chuyên đề chưa đáp ứng nhu cầu người học, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin tại một số địa phương còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động còn hạn hẹp. Trong khi đó, cán bộ của trung tâm học tập cộng đồng đều làm việc kiêm nhiệm, hay thay đổi vị trí công tác và chưa được trang bị kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý điều hành mô hình trung tâm học tập cộng đồng. Ðáng chú ý, các trung tâm học tập cộng đồng không có giáo viên chuyên trách, phải sử dụng đội ngũ báo cáo viên từ các đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động cho nên gặp khó khăn trong công tác điều hành và quản lý chỉ đạo.
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hòa Bình, Luật Giáo dục năm 2019 mới đề cập đến trung tâm học tập cộng đồng nhưng chưa quy định cụ thể loại hình công lập hay tư thục. Vì vậy, Nhà nước cần quy định rõ loại hình trung tâm học tập cộng đồng công lập áp dụng ở các xã vùng khó khăn và vùng kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn vì vùng này cần được hỗ trợ của Nhà nước; loại hình trung tâm học tập cộng đồng tư thục áp dụng cho các xã còn lại. Sở Giáo dục và Ðào tạo Phú Thọ đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo tăng cường các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý và tổ chức của trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng, ban hành tài liệu và học liệu dạy chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội của địa phương để mở các lớp học chuyên đề, các lớp tập huấn; tổ chức biên soạn tài liệu để phục vụ các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trung tâm học tập cộng đồng cho đội ngũ cán bộ cốt cán trong tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong phong trào học tập suốt đời tại mỗi địa phương; tăng cường khung pháp lý và các chính sách phù hợp để duy trì, củng cố trung tâm học tập cộng đồng. Ngoài ra, các địa phương cần bảo đảm đủ nguồn lực để trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn; tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trung tâm học tập cộng đồng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-post716979.html