Giảng viên, sinh viên ngành Luật của Trường ĐH Ngoại thương vừa tổ chức chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 phạm nhân tại Phân trại số 3, Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng).
Chương trình được nhà trường đồng phối hợp với một văn phòng luật sư tại Hà Nội tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10) và kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.
Hoạt động thu hút được nhiều luật sư, giảng viên và sinh viên luật tham gia.
Lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương và các luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tham gia chương trình (Ảnh: T.Thủy).
Trong chương trình, các phạm nhân đã được lắng nghe tư vấn pháp lý xoay quanh các vấn đề như quyền đăng ký kết hôn, quyền nhân thân và quyền tài sản trong quá trình chấp hành hình phạt tù, xác định cha cho con; giải đáp những thắc mắc liên quan khác từ các luật sư giàu kinh nghiệm.
Theo thống kê, có hơn 100 phạm nhân đặt các câu hỏi liên quan đến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Dân sự,… Từ hoạt động này, các giảng viên, sinh viên luật đã có được những trải nghiệm thực tế, giúp cho việc đào tạo gần với thực tiễn.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trại giam không chỉ là nơi giam giữ, thi hành các bản án đối với người phạm tội mà còn là nơi giáo dục và cải tạo người phạm tội, để họ trở thành người có ích cho xã hội, sớm được về với gia đình, người thân và làm lại cuộc đời.
Do vậy, hoạt động giáo dục pháp luật đã trở thành mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý tại các trại giam.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại chương trình (Ảnh: T.Thủy).
Xác định được tầm quan trọng của công tác này, nhà trường phối hợp với văn phòng luật sư và trại giam, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giáo dục, trợ giúp pháp lý tới các trại giam.
"Bên cạnh công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, Trường ĐH Ngoại thương đặc biệt quan tâm tới các hoạt động phục vụ cộng đồng, coi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nhà trường.
Đặc biệt, các giảng viên, sinh viên khoa Luật nói riêng cùng cán bộ giảng viên trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế trong xã hội; giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp lý cho người lao động tại các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống, giáo dục pháp luật cho học sinh và sinh viên tại nhiều trường THPT và đại học trên cả nước", PGS Tuấn cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, trong năm 2021, nhà trường đã ban hành Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Một trong những đột phá chiến lược của nhà trường là "phát triển các ngành/chương trình đào tạo mới hướng tới sự xuất sắc thông qua khơi dạy năng lực cá nhân, hình thành hệ tư tưởng về đổi mới sáng tạo, tư duy mở, rèn luyện bản lĩnh và khả năng thích ứng, làm chủ hệ sinh thái của chính mình".
Những hoạt động tư vấn pháp luật cộng đồng như trên đã góp phần giúp sinh viên của nhà trường, trong đó có sinh viên chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế và sinh viên chất lượng cao chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp có cơ hội vận dụng những kiến thức đã được học vào giải quyết vấn đề pháp lý thực tiễn.
Đồng thời, thực hành khả năng, kỹ năng tư vấn pháp luật cũng như các kỹ năng khác.
Được biết, trước đó, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương cũng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhiều đối tượng thuộc các tỉnh thành trên cả nước như hoạt động giảng dạy pháp luật cộng đồng tại trường THCS Hương Mai và tư vấn pháp lý tại làng nghề rượu Vân Xá thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang vào tháng 5/2022.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn