Theo Phó Thủ tướng, với tất cả các nước, giáo dục là chìa khóa thành công, có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục được xác định là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Pháp luật Việt Nam quy định phải dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho Giáo dục.
Phó Thủ tướng cũng cam kết, Chính phủ sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam, chủ trì cùng các địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại hội nghị này.
Theo Phó Thủ tướng, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, có vai trò có tính quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 (Ảnh: Nguyễn Mạnh).
Giáo dục cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có thể nói đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển.
Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua.
Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua, tính đến tháng 5/2022, đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh.
Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này.
"Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, tôi tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập.
Về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hướng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn", Phó Thủ tướng nói.
Với vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng, trung tâm đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại.
Phó Thủ tướng (giữa) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng đại diện phụ trách giáo dục 10 nước ASEAN (Ảnh: Nguyễn Mạnh).
Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục.
Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.
Mặc dù khó khăn là vậy, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng vượt qua những "cú sốc" chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, để giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của đại dịch.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như hướng tới nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đưa ra 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023:
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học;
Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu;
Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế;
Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học;
Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Những ưu tiên này phù hợp với 5 nội dung mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các nước cam kết về giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vào các ngày 17, 18 và 19/9 vừa qua.
Mỹ Hà/dantri.com.vn