Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này trong thực tế chưa được sâu rộng và còn nhiều khó khăn.
Gắn kết kiến thức với thực tiễn
“Cô ơi, con bị “nghiện” ngôi sao rồi!”, cậu bé Đặng Hiểu Minh, học sinh Lớp 1A2, Trường Liên cấp Sputnik (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) phấn khích biểu lộ sở thích của mình với môn STEM khi em quan sát được ánh sáng gãy khúc qua các môi trường nước hay một chiếc cốc thủy tinh. Cả lớp hò reo và vỗ tay khi thấy những vân sáng cầu vồng, các “ngôi sao” biến hình trên trần nhà trong tiết học STEM, qua chủ đề ánh sáng. Những bài học về tính chất của nước cũng được học sinh lĩnh hội một cách hồ hởi khi các em cố gắng vẽ những bông hoa đẹp và quan sát chúng nở trong nước... Cứ như vậy, các tiết học STEM lôi cuốn các em học sinh tiểu học tìm hiểu kiến thức một cách sáng tạo, hứng thú và cũng thật tinh nghịch, đáng yêu.
Giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) là một chương trình giảng dạy trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì dạy 4 môn học tách biệt, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Hiện nay, Trường Liên cấp Sputnik đang tích hợp giáo dục STEM vào chương trình giảng dạy một số môn học như môn Tự nhiên xã hội và Công nghệ. Cô Nguyễn Thị Nga, Phó hiệu trưởng phụ trách Tiểu học, Trường Liên cấp Sputnik cho hay: “Dựa vào nội dung các tiết học theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên xây dựng những hoạt động trải nghiệm mang đặc trưng STEM, từng bước làm quen và tích hợp giáo dục STEM vào các môn học một cách nhẹ nhàng nhất”.
Cô trò Trường Liên cấp Sputnik (Thanh Xuân, Hà Nội) vui học trong tiết STEM. |
Theo cô Nga, dạy học STEM ở tiểu học giúp học sinh phát triển năng lực đặc thù khoa học, từ nhận biết vấn đề đến quan sát để tìm hiểu vấn đề (tìm cách làm). Từ đó, các em sẽ biết sử dụng công cụ, dụng cụ để làm ra các sản phẩm; biết tự nhận xét, phân tích các sản phẩm của mình, của bạn để tìm ra cách cải tiến hoặc sáng tạo thêm... hình thành năng lực thiết kế. Năng lực này xuyên suốt quá trình học tập của học sinh.
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai giáo dục STEM cho hơn 60 trường phổ thông trên cả nước. Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học tại 7 địa phương gồm: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Cần Thơ, Đồng Tháp. Khác với các hoạt động giáo dục STEM theo cách thức tự phát, hoạt động chủ yếu là ngoại khóa, mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học đem đến cho cán bộ, giáo viên của các nhà trường những kiến thức, kỹ năng cơ bản để triển khai bài bản, hiệu quả. Dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Qua đó, các em được tạo điều kiện để rèn luyện khả năng ứng dụng toàn diện kiến thức vào việc khám phá những khía cạnh khác nhau của thế giới thực và giải quyết những vấn đề dưới sự định dạng của tư duy liên ngành.
Thách thức lớn khi triển khai
Theo dòng chuyển động Chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM trong trường phổ thông đang gặp “thiên thời”, mở ra nhiều không gian, thời gian để phát triển giáo dục STEM hơn. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn vẫn còn rất nhiều thách thức.
Thực tế triển khai giáo dục STEM trong những năm gần đây vẫn chỉ ở quy mô hẹp, tập trung tại cơ sở giáo dục có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính. Nhiều trường chưa thực sự áp dụng STEM vào giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, chủ yếu xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Trường Tiểu học Sa Pa (thị xã Sa Pa) là một trong những trường triển khai thí điểm giáo dục STEM tiểu học của tỉnh Lào Cai. Ghi nhận nhiều điểm tích cực của hoạt động dạy học này nhưng thầy Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa cho biết: “Trường gặp không ít khó khăn khi triển khai. Đó là đội ngũ giáo viên chưa thực sự vững vàng. Trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng học, thí nghiệm trong không gian rộng”. Từ thực tế này, thầy Dương Xuân Chính đề xuất bên cạnh khâu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cần có chương trình, hướng dẫn cụ thể để giáo viên tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho phù hợp nhất và bảo đảm yêu cầu chương trình.
Nhìn nhận những thay đổi về nhận thức đến từ ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên và các em học sinh khi triển khai mô hình giáo dục STEM, cô Hà Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho hay: “Trường xác định phải đẩy mạnh giáo dục STEM. Tuy nhiên, hoạt động này ở trường mới chỉ dừng lại ở mức “chạm tới”. Giáo dục STEM chưa có tiết riêng, học sinh học tập qua các hoạt động trải nghiệm nằm trong môn Khoa học tự nhiên. Mỗi năm, trường chỉ tổ chức một ngày hội STEM”.
Những rào cản của hoạt động STEM đến từ đội ngũ giáo viên. Họ chủ yếu được đào tạo đơn môn, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy tích hợp, liên môn. Cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cũng là những yếu tố quan trọng quyết định việc thúc đẩy giáo dục STEM. Nhà trường mới được cấp thu đủ bù chi, chưa có dự toán cho việc làm nghiên cứu khoa học. Đề xuất phương án tạm thời, cô Hà Thị Thanh Tâm cho rằng việc chia sẻ qua những giờ học trực tuyến cùng các trường, địa phương có hoạt động STEM mạnh sẽ giúp học sinh và giáo viên có cơ hội học hỏi thêm với chi phí thấp.
Muốn triển khai giáo dục STEM một cách toàn diện, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp, thúc đẩy phong trào giáo dục STEM bằng các hoạt động như: Câu lạc bộ, ngày hội, đại sứ STEM... Tăng cường hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực về giáo dục STEM. Đó là lối mở quan trọng để giáo dục STEM được nhân rộng và đi vào chiều sâu. Có như vậy, giáo dục STEM trong nhà trường mới góp phần tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho cả người dạy và người học.
THU HÀ/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tiep-can-lien-mon-qua-giao-duc-stem-708344