Tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên

Thứ 2, 17.10.2022 | 14:48:44
891 lượt xem

Tối nào cơm nước xong, em gái tôi lại sấp ngửa lao vào đống giấy tờ, sổ sách, gấp rút chuẩn bị hồ sơ chuyên môn và kế hoạch dạy học cho từng bài trong những tháng đầu của năm học mới.

Có những tối muộn mới về bởi vừa hoàn thành công việc quản lý học sinh hằng ngày, em vừa tranh thủ chuẩn bị phòng học và đồ dùng dạy học cho buổi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố vài tuần sau đó. Mọi công việc nhà cửa, con cái phó mặc hết cho ông bà. Và rồi, mấy hôm trước em tôi đã phải đi khám tâm lý để chữa chứng bệnh rối loạn trầm cảm lo âu. Lý do không thể ngờ tới chính là... nỗi lo khi phải tới trường.

Không biết từ bao giờ, nghề giáo lại trở nên rất áp lực như vậy. Sự mệt mỏi với nghề lại không bắt nguồn từ việc dạy học mà đến từ các quy định, hệ thống sổ sách. Áp lực đến từ các mối quan hệ với ban giám hiệu, đồng nghiệp và phụ huynh, từ đủ loại cuộc thi, phong trào lớn nhỏ của ngành. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những kế hoạch bài dạy theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng luôn là nỗi ám ảnh về tinh thần cho cả giáo viên và học sinh... Sức ép tứ bề khiến nhiều nhà giáo phải “gồng” mình bám trụ với nghề.

Tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên
Máy tính được kết nối với màn hình LED lớn để giảng dạy, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: TTXVN.


Áp lực công việc nghề nào cũng có. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, đội ngũ giáo viên có rất nhiều căng thẳng dẫn đến suy giảm tình yêu nghề. Có thể kể ra một số rào cản đối với động lực làm việc của giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục như: Tâm lý ngại thay đổi, thiếu kiến thức và kỹ năng để thực hiện hiệu quả công việc theo hướng mới; sợ thất bại, sợ bị đánh giá, phê bình; thiếu sự chia sẻ, đồng thuận từ ban giám hiệu, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng; đặc biệt thiếu các nguồn lực cần thiết phục vụ cho đổi mới.

Ranh giới giữa động lực và áp lực cho giáo viên rất mong manh. Làm thế nào để giải tỏa áp lực và tăng động lực cho giáo viên? Chỉ có môi trường giáo dục tốt mới có thể khuyến khích giáo viên thay đổi bản thân. Trước tiên, hiệu trưởng cần hiểu rõ các loại nhu cầu tác động đến tâm lý làm việc của giáo viên, từ đó có những biện pháp phù hợp. Trong nhà trường cần có sự thấu cảm, lan tỏa sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ và bao dung của hiệu trưởng với đội ngũ giáo viên và giữa các giáo viên với nhau, để mọi thành viên trong trường thấy được tin tưởng, yêu thương. Nhà trường có thể vận dụng linh hoạt các biện pháp tạo động lực như thông qua kinh tế, phân công công việc phù hợp, giao việc dạy học theo đúng chuyên môn; tăng lương cho giáo viên; cải thiện môi trường cảnh quan, xây dựng bầu không khí làm việc thân thiện, dân chủ. Đặc biệt, cung cấp công cụ cần thiết giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động dạy học; giảm bớt công việc giấy tờ, sổ sách để họ tập trung cho chuyên môn và có thời gian tái tạo năng lượng sáng tạo. Tăng cường quyền được chủ động giáo dục, uốn nắn học sinh bằng nhiều hình thức. Tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện chương trình giáo dục mới. Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học sẽ hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc.

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến phòng tâm lý học đường, tổ tư vấn tâm lý để giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn về mặt tinh thần nhưng ít thấy nhắc đến việc thầy cô cũng rất cần những phòng chức năng như vậy để được hỗ trợ và chia sẻ. Thiết nghĩ, cùng với những chính sách lớn của ngành, mỗi giáo viên cần học cách bình tĩnh lắng nghe, kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp tháo gỡ những ám ảnh vô hình cho chính mình.  


MINH ĐỨC/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tao-dong-luc-giam-ap-luc-cho-giao-vien-708346

  • Từ khóa