Nhiều trường ĐH tại Việt Nam đưa về các chương trình liên kết chất lượng nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu
Ngày 19-10, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM đã ký kết hợp tác với Trường ĐH Sydney (Úc). Đây là trường xếp thứ 41 trên toàn thế giới và xếp hạng 3 tại Úc (theo QS Rankings năm 2022); ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sydney thuộc top 50 thế giới và được kiểm định của tổ chức kiểm định chất lượng hàng đầu AACSB.
Tuyển sinh khó khăn
Trước khi ký kết hợp tác với Trường ĐH Sydney, Trường ĐH Quốc tế đã triển khai đào tạo 25 chương trình liên kết quốc tế với các đối tác tại Anh, Mỹ, Phần Lan... Dù mang về các chương trình được kiểm định chất lượng song kết quả tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra.
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tuyển được 300 thí sinh học chương trình liên kết quốc tế. Trong ảnh: Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào trường
Năm nay, ngay sau khi công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, Trường ĐH Quốc tế liền thông báo tuyển bổ sung 935 chỉ tiêu cho 25 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Song, kết thúc đợt xét tuyển (từ ngày 1 đến hết 6-10), trường tuyển thêm không được bao nhiêu. TS Huỳnh Khả Tú, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH - Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường hy vọng tuyển bổ sung nhưng kết quả không được nhiều. Không riêng năm nay, chương trình liên kết quốc tế các năm trước chỉ tuyển được 500-600 sinh viên trong khi chỉ tiêu cao hơn nhiều.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM có 8 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài nhưng tuyển sinh hằng năm cũng rất khó khăn. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, năm nay trường chỉ tuyển được 36 thí sinh, các năm trước còn ít hơn.
Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chỉ tuyển được 300 sinh viên trong 450 chỉ tiêu đề ra. Nhiều trường ĐH khác có chương trình liên kết quốc tế cũng cho biết khó tuyển sinh.
Học phí thấp vẫn chưa thu hút
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hơn 600 chương trình liên kết đào tạo đã được ký kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam với các cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài. Liên kết quốc tế với các hình thức đào tạo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 trong nước, giai đoạn 2 tại trường nước ngoài), đào tạo toàn phần tại Việt Nam giúp người học tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn lấy được bằng do nước ngoài cấp.
TS Nguyễn Trung Nhân cho biết cùng chương trình nhưng nếu sinh viên học tại Việt Nam thì học phí thấp hơn nhiều so với trường ở nước ngoài. Chẳng hạn, với chương trình liên kết quốc tế học tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, sinh viên chỉ đóng khoảng 50 triệu đồng/năm. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, mức học phí chương trình liên kết quốc tế chỉ 55 triệu đồng/năm; Trường ĐH Quốc tế từ trên 60 triệu đến 80 triệu đồng/năm, tùy chương trình và tỉ giá. Theo lý giải của các trường ĐH có chương trình liên kết quốc tế, học phí thấp là do được trường đối tác nước ngoài hỗ trợ.
Tuy học phí thấp hơn so với du học nước ngoài nhưng các chương trình liên kết quốc tế vẫn khó tuyển sinh. TS Huỳnh Khả Tú cho rằng những gia đình có định hướng cho con em học chương trình quốc tế phần lớn đều chọn đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Năm 2021, khi dịch COVID-19 phức tạp trên thế giới, học sinh không đi du học được nên học chương trình quốc tế trong nước nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát thì chuyển sang đi học ở nước ngoài.
"Những sinh viên học chương trình liên kết quốc tế một phần vì muốn tiết kiệm chi phí, một phần vì cha mẹ cần kiểm soát hoặc cần sự chuẩn bị về ngôn ngữ, văn hóa, phương pháp học tập trước khi chuyển tiếp học giai đoạn 2 ở nước ngoài" - TS Huỳnh Khả Tú nhận định.
Đại diện một trường ĐH cho rằng chọn học chương trình liên kết quốc tế trong nước hay đi du học ngay từ đầu, mỗi hướng đều có những lợi ích riêng.
Với việc đi du học ngay từ đầu, sinh viên khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu nhưng lợi ích lớn nhất mà họ có được là môi trường đa văn hóa. Sinh viên có được những trải nghiệm sống, giúp họ trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng để bắt đầu công việc ở bất kỳ quốc gia nào, đáp ứng được yêu cầu cao ở môi trường làm việc đa quốc gia.
Huy Lân/nld.com.vn