Trong những năm qua, quy mô, mạng lưới trường lớp cấp học mầm non đã không ngừng phát triển, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Trong đó, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập và lớp mầm non độc lập (cơ sở giáo dục mầm non độc lập) thuộc hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đóng vai trò không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Giờ học của học sinh Trường mầm non Hoa Thủy Tiên, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. (Ảnh HOÀI THU)
Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh, tính đến tháng 5/2022, cả nước có 16.090 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, trong đó hơn 1.400 nhóm trẻ độc lập có tối đa 7 trẻ, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi phát triển về công nghiệp, đông dân cư, tăng dân số cơ học, chưa đủ trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy định về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngày càng chuyên môn hóa, đúng quy định.
Là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô và số lượng các khu công nghiệp, đến tháng 6/2022, tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn, có khoảng 436 nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó 60% là dân nhập cư từ các địa phương khác.
Bà Hoàng Thị Ngọc Mai, Phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, Đồng Nai có 866 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển giúp giảm bớt gánh nặng về việc huy động trẻ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh, đặc biệt là con em công nhân tại các khu tập trung nhiều nhà máy, công ty và khu tập trung nhiều nhà trọ, dân nhập cư...
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục phối hợp các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở mầm non độc lập trên địa bàn về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để có biện pháp xử lý đối với những cơ sở giáo dục mầm non không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để các cơ sở giáo dục mầm non hoàn thiện các điều kiện để bảo đảm an toàn trẻ và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Không chỉ Đồng Nai, tỉnh Hải Dương cũng rất chú trọng đến các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết: So với mạng lưới trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập còn thua kém nhiều về điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp các cơ quan, tổ chức để tăng cường nguồn lực bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, 100% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ; 100% phụ huynh ở khu vực khu công nghiệp được truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển; 20 nhóm trẻ độc lập được hỗ trợ cơ sở vật chất, kiện toàn, xây dựng và phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập còn nhiều bất cập, khó khăn và vướng mắc. Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư, rất khó quản lý và chưa được quan tâm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục mầm non độc lập hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi về địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động.
Cùng với đó, nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa bảo đảm dẫn đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chưa hiệu quả. Việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non độc lập hiện nay không đồng đều, thường tập trung đông ở các huyện, thành phố có nhiều khu công nghiệp dẫn đến thực trạng một số cơ sở có số học sinh vượt mức so với quy định.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, các ban, ngành liên quan của các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. UBND phường, xã nơi có các cơ sở giáo dục mầm non độc lập cần nêu cao vai trò trách nhiệm; quan tâm bồi dưỡng năng lực cho cán bộ được phân công theo dõi, quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập cũng cần phát huy vai trò đỡ đầu, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở mầm non độc lập. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non lưu ý đặt an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ lên hàng đầu. Muốn như vậy, phải nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của cha mẹ trẻ em khi gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập để trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-cac-co-so-giao-duc-mam-non-doc-lap-post721498.html