Không kiểm soát được cảm xúc nóng giận, một số giáo viên ở trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) đã để lại hình ảnh không đẹp về nhà giáo trong mắt học sinh.
Một cô giáo dạy văn biết được học sinh có đơn đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường thay thế mình bằng giáo viên khác có phương pháp giảng dạy phù hợp đã sử dụng những phút cuối cùng của buổi dạy cuối cùng yêu cầu học sinh tường trình buổi làm việc giữa lớp với thầy hiệu trưởng ra giấy. Đồng thời đến từng học sinh để hỏi tình cảm học sinh dành cho mình và dùng điện thoại quay lại. Việc làm này kéo dài sang tiết học của một cô giáo khác.
Nhận thấy cô giáo dạy văn đang làm việc ngoài chuyên môn ngay trong giờ đứng lớp của mình, cô giáo đứng lớp đã yêu cầu đồng nghiệp dừng lại, trả lớp cho mình nhưng cô dạy văn những không đồng ý mà còn quay sang truy vấn lý do cô giáo đứng lớp vào lớp muộn giờ. Để bảo đảm giờ dạy, cô giáo đứng lớp đã gọi điện cầu cứu ban giám hiệu nhà trường.
Ban giám hiệu đã cử một tổ gồm một thầy hiệu phó, thầy trưởng ban thanh tra và nhân viên bảo vệ đến khuyên giải đề nghị trả lớp, nhưng giáo viên dạy văn vẫn không chấp hành. Thầy trưởng ban thanh tra sau đó đã nắm tay đẩy cô ra khỏi lớp trước sự chứng kiến của toàn bộ học sinh lớp 10A9 trường THPT Hai Bà Trưng. Ít ngày sau trên mạng xã hội xuất hiện clip 18 giây ghi cảnh thầy cầm tay cô đẩy ra ngoài. Đi kèm nó là hàng loạt lời chỉ trích nam giáo viên đã dùng vũ lực với đồng nghiệp nữ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Đại học sư phạm Huế, do không được chứng kiến từ đầu đến cuối mà chỉ xem đoạn clip ngắn 18 giây nên không thể nhận định hành động nam giáo viên là đúng hay sai. Nó có thể là kết quả của quá trình vận động, ức chế dồn nén và bùng phát. Khi bị đẩy ra ngoài, người ta sẽ có những phản kháng như vùng vẫy, vung tay… nhìn như bị khóa tay hoặc hơn thế.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng việc thầy cô xô đẩy nhau trước mặt học sinh là điều không được phép xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và sự tôn trọng thầy cô trong mắt học sinh. Nguyên nhân dẫn đến tất cả những điều này là do kỹ năng kiềm chế cảm xúc của những người liên quan sự việc không tốt. Dẫn đến họ đã thực hiện những hành động bột phát trong lúc nóng giận.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng phân tích, trong sự việc này có nhiều tình huống buộc phải xử lý thận trọng, tránh gây tổn thương đến uy tín, danh dự của giáo viên và học sinh. Đầu tiên là việc giáo viên dạy văn vào lớp khi chưa được sự đồng ý của giáo viên đứng lớp là sai. Bởi giáo viên đứng lớp là người được trao quyền quyết định toàn bộ nội dung giờ dạy, trong đó có cả việc cho ai vào lớp, không cho ai vào lớp.
Tiếp nữa là việc xử lý của tổ thanh tra. Trong trường hợp giáo viên dạy văn không phối hợp, tổ thanh tra có thể tiếp cận nhẹ nhàng vận động cô ra ngoài một cách lịch sự. Nếu cô vẫn không phối hợp, các thầy cô có thể cho học sinh tạm thời ra khỏi lớp. Sau khi tinh thần cô giáo dạy văn tốt hơn thì phân tích đúng sai. Sự việc ổn thỏa, sẽ tiếp tục cho học sinh vào lớp trở lại.
Riêng tình huống học sinh đề nghị đổi giáo viên là việc hết sức nhạy cảm. Lớp học có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, nên khi nhận đơn, nhà trường cần họp tổ chuyên môn, tổ chức dự giờ để nắm chất lượng giảng dạy của giáo viên. Trong trường hợp phát hiện giáo viên yếu khâu nào đó thì đề xuất, góp ý thay đổi. Nếu cô không thay đổi được, lúc đó mới tiến hành chuyển giáo viên sang lớp khác. Làm như vậy để tránh gây tổn thương, uy tín và danh dự cho giáo viên và cả học sinh, tránh trường hợp học sinh có đơn là trường đổi giáo viên. Nếu lớp nào cũng đề nghị đổi thì trường sẽ loạn, gây khó khăn cho công tác quản lý.
DƯƠNG QUANG TIẾN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/trong-truong-hoc-can-kiem-soat-nhung-cai-dau-nong-post722273.html