Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, đánh dấu chặng đường vẻ vang 75 năm (1947-2022) xây dựng, phát triển, không ngừng nỗ lực vượt khó, mở rộng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cách đây 75 năm, Ty Bình dân học vụ Lạng Sơn được thành lập, là cơ quan quản lý giáo dục phụ trách công tác xóa mù chữ, hoạt động song song với Thanh tra Tiểu học vụ. Ngay sau khi thành lập (năm 1947), Ty Bình dân học vụ Lạng Sơn đã cử cán bộ đến các bản làng, vùng cao hẻo lánh để vận động Nhân dân hưởng ứng chiến dịch “Diệt dốt” của Trung ương, tham gia phong trào xóa mù chữ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến nhưng công tác bình dân học vụ của tỉnh vẫn được duy trì và phát triển trên diện rộng. Chỉ tính riêng năm 1947 tỉnh Lạng Sơn đã có 13.203 người biết đọc, biết viết (khoảng 13% dân số của tỉnh).
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho học sinh có thành tích xuất sắc. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Năm 1957, Ty Giáo dục Lạng Sơn được thành lập trực tiếp quản lý ngành giáo dục toàn tỉnh. Từ năm 1958 hình thành tổ chức phòng giáo dục, lúc đó chỉ là một bộ phận của ủy ban hành chính. Năm 1959, các phòng giáo dục chính thức được thành lập và có con dấu riêng. Nhiệm vụ lúc này là tập trung chỉ đạo chuyên môn khối cấp I, làm công tác bổ túc văn hoá và xoá mù chữ cho toàn dân (khối cấp II trực thuộc Ty Giáo dục quản lý). Năm 1983, Ty Giáo dục đổi tên thành Sở Giáo dục, đến năm 1987, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh và Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh sáp nhập về Sở Giáo dục, đổi tên thành Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Sau khi sáp nhập, đến năm 1997, ngành giáo dục tỉnh đã huy động được 94% số trẻ trong đội tuổi 6 – 14 tuổi ra lớp; số xã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ là 191 xã (đạt tỷ lệ 84,9%), số huyện, thị được công nhận phổ cập tiểu học – chống mù chữ là 9/11 (đạt 80,8%). Tỉnh Lạng Sơn được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, vượt kế hoạch 12 tháng so với kế hoạch đề ra. Tháng 10/2008, tỉnh Lạng Sơn được Bộ GĐ&ĐT quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển, đến năm 2010, Lạng Sơn đã có đủ các loại hình trường, lớp từ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT tới giáo dục chuyên nghiệp. Trên 90% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Có trên 30% giáo viên mầm non; 60% giáo viên tiểu học có trình độ trên chuẩn để tiến tới đạt chuẩn mới đối với cấp học; trên 30% giáo viên THCS và trên 10% giáo viên THPT đạt trên chuẩn về trình độ. Số lượng trường, lớp, loại hình đào tạo và số lượng học sinh, sinh viên cũng tăng nhanh, phủ kín các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Số trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ cao. Cùng đó, các cơ sở dạy nghề của tỉnh được phát triển, kết hợp loại hình học văn hóa bổ túc THPT với học trung cấp nghề đã góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Lãnh đạo ngành giáo dục tham gia hội nghị trực tuyến công tác giáo dục với ngành giáo dục Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: HOÀNG TÙNG
Trên đà phát triển, trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/NQ-QH của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Nghị quyết số 63-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030, ngành GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, toàn ngành đã nỗ lực thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực, chủ động thay đổi hình thức tổ chức dạy học ứng phó linh hoạt với tình hình diễn biến dịch COVID-19; nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã có những bước đi vững chắc, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Qua đó, ngành GD&ĐT Lạng Sơn được tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2016), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2011, 2014), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2022)…
Hiện nay, Lạng Sơn có 670 đơn vị trường học. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế tri thức thế giới, coi “GD&ĐT và Khoa học – Công nghệ là quốc sách hàng đầu”, là động lực phát triển đất nước, ngành GD&ĐT tỉnh luôn nỗ lực tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Dù còn nhiều địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn song chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục được nâng cao một cách thực chất, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của tỉnh.
Cô trò Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn nghiên cứu tài liệu hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục giáo dục trung học và xóa mù chữ mức độ 2 (Quyết định số 3540/QĐ-BGDĐT ngày 2/11/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng, đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có 272 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác tổ chức các kỳ thi được đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế; phổ điểm thi của toàn tỉnh được nâng lên, tiệm cận với mặt bằng chung toàn quốc (trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trung bình trên 97%). Chất lượng giáo dục các cấp học được duy trì và nâng cao, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt được những thành tích đáng ghi nhận (từ năm học 2017 – 2018 đến nay có 66 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 12 dự án của học sinh dự thi và đoạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia cho học sinh trung học). Đặc biệt, công tác chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập tiếp tục được đẩy mạnh.
Phát huy truyền thống và thành tựu của bề dày lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển, ngành GD&ĐT Lạng Sơn tiếp tục đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/NQ-QH của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Nghị quyết số 63-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh; mở rộng quy mô giáo dục hợp lý (cả giáo dục đại trà và mũi nhọn), xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời. Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với GD&ĐT; sắp xếp lại hệ thống các trường học về đội ngũ cán bộ giáo viên và cơ sở vật chất; quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; chú trọng đổi mới chương trình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; tập trung đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về GD&ĐT.
Hoàng Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT