Trường học cách nhà 100km, suốt gần 6 năm, cô giáo Thầm vẫn kiên trì bám trường, bám bản để đem con chữ đến với các em học sinh dân tộc H'Mông.
Cô Lô Thị Thầm (30 tuổi, dân tộc Thái) là giáo viên giảng dạy bộ môn Địa lý tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Sín Chải.
Ngôi trường nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, một huyện miền núi với địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Quá trình công tác gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần, cô Thầm đã kiên trì với công việc tại điểm trường được gần 6 năm, chấp nhận hy sinh cuộc sống và những nhu cầu cá nhân để đem con chữ đến với các em học sinh là người đồng bào dân tộc H'Mông.
Những ngày đầu đi dạy, con của cô mới được 12 tháng tuổi, chồng đi làm xa, nhà cách điểm trường gần 100km, không còn cách nào, cô Thầm buộc phải nhờ ông bà chăm sóc con và đi thuê trọ gần trường để thuận tiện cho công tác giảng dạy.
"Nhiều lúc bố mẹ ốm đau bệnh tật, tôi cũng không thể ở bên chăm sóc, động viên. Con tôi đến nay đã được 5 tuổi, tôi không được ở bên chăm sóc dạy dỗ thường xuyên nên vẫn phải nhờ ông bà giúp đỡ", cô giáo Thầm tâm sự.
Những lúc nhớ gia đình, nhớ con nhưng điều kiện về điện, Internet có lúc không thể đáp ứng được nhu cầu liên lạc, để nguôi ngoai nỗi nhớ, cô lại tham gia hoạt động tập thể với các thầy cô trong trường, đọc thêm sách để nâng cao trình độ chuyên môn, tìm phương pháp giảng dạy để học sinh dễ tiếp thu kiến thức hơn.
Hoàn cảnh công việc không cho phép cô gần gũi với gia đình nhưng người thân vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc để cô có thể yên tâm công tác: "Gia đình vẫn luôn ủng hộ, động viên và tạo mọi điều kiện để tôi có thể hoàn thành mọi công việc mà nhà trường giao phó".
Trong thời gian trước mắt, cô Thầm vẫn muốn được ở lại trường Sín Chải để dạy học. Sau này, cô hy vọng được về công tác gần nhà để tiện chăm sóc bố mẹ, con cái, đãi ngộ trong công việc sẽ cao hơn để cuộc sống của cô có thể được cải thiện hơn.
"Đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa như tôi thì hàng tháng cũng chỉ trông chờ vào tiền lương, ngoài ra cũng không có thêm khoản thu nhập nào khác. Do đó, tôi phải suy nghĩ, cân nhắc thật kĩ trong chi tiêu vì còn phải gửi tiền về cho bố mẹ để giúp chăm lo cho con gái", cô giáo chia sẻ.
Năm 2016, sau một năm tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, khoa Sử - Địa, cô được Phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa tuyển dụng, phân công giảng dạy bộ môn Địa lý tại Trường PTDTBT THCS Sín Chải. Lúc đó, cô Thầm vừa mừng vừa lo.
"Tôi cảm thấy rất vui nhưng cũng rất lo lắng vì tôi chưa từng đến Tủa Chùa bao giờ, chỉ biết trường nằm ở trong một xã xa nhất huyện và còn nhiều khó khăn".
Khi vừa nhận được phân công công tác, cô Thầm cũng lường trước rằng sẽ có những khó khăn, vất vả, nhưng thực tế những khó khăn ấy còn nhiều hơn cô tưởng tượng.
Lúc mới đến dạy, trường chỉ có 9 lớp bao gồm cả 4 khối học (lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9) nhưng vẫn không có đủ phòng học, có 2 lớp phải học ở nhà lợp bằng tôn. Sân trường là nền đất nên khi trời mưa xuống đi lại rất khó khăn.
Các em học sinh trong trường đều là người dân tộc H'Mông hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy sách giáo khoa các em đều có đủ nhưng lại thiếu thốn đồ dùng học tập, sách tham khảo nên giáo viên gặp nhiều trở ngại trong việc hướng dẫn, giảng dạy. Do đó, cô giáo Thầm buộc phải tìm các phương pháp giảng dạy khác để truyền tải kiến thức một cách dễ dàng, dễ hiểu nhất cho các em học sinh và thích nghi với hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn.
Thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải đi qua các cung đường gập ghềnh sỏi đá, bị thủng săm giữa đường cũng khiến cô cảm thấy mình đi xe máy "siêu" hơn trước kia.
"Mới đầu vào trường, tôi ngã xe rất nhiều nên dần thấy bình thường. Ngày đầu tiên tôi tự đi xe đến trường, phải ngã xe đến 4 lần thì mới đến được trường. Mùa đông trên này thì rất rét nên cứ mỗi lần đông đến là tôi lại phải mua gừng để ngâm chân thì mới ngủ được.
Nhưng đến nay, trường đã có nhiều sự đổi mới, khang trang hơn và có thêm nhiều thiết bị hỗ trợ cho công tác giảng dạy.
Năm nay nhà trường đã khang trang hơn nhiều. Hiện nay, nhà trường có tổng cộng 12 lớp, đủ cả 4 khối, mỗi khối có 3 lớp. Các phòng học cũng đã được lắp đặt máy chiếu nên giáo viên giảng dạy cũng dễ dàng hơn", cô giáo kể.
Cô giáo Thầm cũng như toàn thể giáo viên của trường Sín Chải còn gặp khó khăn trong việc khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh.
Nhiều trường hợp gia đình đưa con lên trường rồi giao phó hoàn toàn cho giáo viên, không hỏi han, quan tâm tình hình học tập của con em. Điều này không chỉ gia tăng gánh nặng và áp lực cho giáo viên mà còn ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cô Thầm tâm sự: "Việc phụ huynh cho các em đi học nhưng chưa quan tâm đúng mực tới tình hình học tập của con có thể gây ảnh hưởng tới mức độ nhận thức của các em học sinh. Các em sẽ không ý thức được tầm quan trọng của việc học, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường".
Chính tình trạng này đã buộc cô Thầm cũng như toàn thể giáo viên trong trường phải thường xuyên sát sao với không chỉ tình hình học tập mà còn với cả hoàn cảnh gia đình của các em.
Cô giáo Thầm cũng chia sẻ, trong những ngày đầu, một trong những trở ngại lớn khi cô tiếp cận hoàn cảnh gia đình học sinh không chỉ ở địa hình vào bản hiểm trở, khó đi mà còn nằm ở ngôn ngữ.
Bản thân cô Thầm là người dân tộc Thái, các em học sinh của cô là dân tộc H'Mông nên đặc biệt khó khăn trong quá trình đi vận động, nói chuyện cùng phụ huynh.
"Các em học sinh đều nói được tiếng phổ thông nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Còn đối với phụ huynh, lúc đi vận động, tôi thường nhờ một giáo viên người dân tộc H'Mông hoặc có lúc nhờ các em lớp trưởng đi cùng để dịch tiếng giúp", cô Thầm kể lại.
Đa số phụ huynh của trường đều thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Để thuyết phục, tuyên truyền về vai trò của giáo dục, cô Thầm luôn giải thích về tương lai sáng lạn hơn mà con chữ đem lại.
"Các phụ huynh thấy cô giáo đến họ cũng quý lắm, không có thái độ phản đối gay gắt hay tự ái gì khi nghe chúng tôi tuyên truyền, thuyết phục. Chỉ có điều họ chưa thấy được tầm quan trọng của việc học mà thôi".
Cô cũng nói thêm: "Việc các em không được gia đình định hướng đúng đắn về việc đi học khiến tôi thấy buồn và thương các em nhiều hơn. Đối với gia đình học sinh, tôi thường đi đến tận nhà tuyên truyền, động viên các em đi học. Đối với những gia đình khó khăn, tôi cũng kết hợp cùng ban giám hiệu, các đoàn thể trong xã để đi vận động.
Đối với học sinh, tôi nhờ các em trong lớp tâm sự, động viên lẫn nhau. Khi các em có tiến bộ trong học tập, đi học đều, tôi cũng có chính sách tuyên dương, khen thưởng bằng những món quả nhỏ như bút, thước, vở viết…", cô Thầm tâm sự.
Khó khăn liên tiếp khó khăn, cũng có những lúc cô giáo Thầm muốn từ bỏ công việc này để tìm đến một công việc khác đỡ vất vả và nhẹ nhàng hơn. Nhưng mỗi lần nhận được tình cảm của học sinh, cô lại như được tiếp thêm động lực và sức mạnh.
Không ít lần học sinh bị ốm, cô giáo Thầm lại đi mua thuốc, thăm nom các em vào giữa đêm vì "tôi yêu nghề, yêu các em học sinh và coi các em như con của mình".
Trong suốt gần 6 năm công tác tại trường, không phải lúc nào cô giáo Thầm cũng chỉ gặp những khó khăn, thách thức. Cô tìm thấy những niềm vui trong công việc của mình, nhất là những khi nhìn thấy các em học sinh ngày một trưởng thành, học được những điều hay và thấy được tương lai của các em sáng lạn hơn.
Nhờ những nỗ lực trong công tác giảng dạy của mình, trong năm học 2020-2021, cô có 1 học sinh đạt giải Ba cấp tỉnh môn Địa lý và 2021-2022, có 1 học đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Địa lý.
Để đạt được kết quả này, ngoài ôn luyện theo kế hoạch của nhà trường vào các chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu, cô cũng tiến hành ôn luyện thêm cho các em vào hai ngày thứ bảy và chủ nhất các tuần, đồng thời giao thêm nhiều bài tập để các em về luyện tập thêm.
Đinh Phương Nhung - Mai Châm/dantri.com.vn