Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người. Các thầy cô là tấm gương sáng về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm
Sáng 19-11, đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa lãnh đạo Bộ GD-ĐT
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề, có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các thầy cô là tấm gương sáng về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm
"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ hội, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách mới. Sự nghiệp giáo dục đào tạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu". Mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước. Chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của nước ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người. Không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên với tinh thần yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu.
Các đại biểu dự đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình "Trường học An toàn - Thân thiện - Bình đẳng", phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò và giữa thầy với phụ huynh học sinh.
"Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật...
Bên cạnh đó, các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, năng lực sáng tạo của học sinh phù hợp với sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đổi mới" - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
"Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Chia sẻ về trọng trách của giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có. Nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số; phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp của khoa học kiểm tra đánh giá tiên tiến.
Thế giới biến đổi từng giây từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết tất, biết mười dạy một không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn...
Không những thế, trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó.
Văn nghệ chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
‘Không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới. Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Yến Anh/nld.com.vn