Tạo dựng niềm tin về truyền thống "tôn sư trọng đạo”

Thứ 2, 21.11.2022 | 09:28:56
670 lượt xem

Xã hội dù có nhiều biến động thì sân trường, giảng đường và tấm lòng những người thầy, cô giáo vẫn là nơi học sinh có thể gửi trọn niềm tin trong hành trang bước vào cuộc sống.

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã khép lại mùa giải năm 2022 nhưng những kỷ niệm về thầy cô và mái trường vẫn luôn đầy ắp lòng tri ân, tạo dựng niềm tin cho các thế hệ học sinh về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Bản tình ca nhiều cảm xúc về nghề giáo

Được tổ chức thường niên từ năm 2011, cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục. Các bài viết là những tình cảm sâu lắng về thầy, cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ-những người truyền động lực, làm thay đổi cuộc sống của tác giả. Đó còn là sự chia sẻ về những tình huống sư phạm điển hình, cách giải quyết các tình huống của thầy, cô giáo mà tác giả từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy, cô giáo đối với học sinh, đối với nghề.

Tạo dựng niềm tin về truyền thống
       Cô và trò Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).

Viết về người thầy của mình là điều cô giáo Nguyễn Thị Liên, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị luôn ấp ủ. Tác giả đoạt giải nhất cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” khiêm tốn chia sẻ bản thân chưa đủ năng lực ngôn ngữ để diễn tả hết những tình cảm sâu sắc với người thầy dạy cấp 3 của mình, đó là thầy giáo Hoàng Đức Vinh. Thế rồi, có điều gì đó trong tâm khảm đã thôi thúc cô Liên viết tác phẩm “Ngày...tháng...năm của thầy và tôi”, bày tỏ lòng tri ân đối với thầy giáo cũ, đồng thời lan tỏa niềm tin về truyền thống "tôn sư trọng đạo" cho các thế hệ học sinh. Cô Liên tâm sự: “Dù năm tháng đã trôi qua, tôi vẫn ấn tượng đặc biệt về người thầy giáo cũ, đó là sự nhân từ và độ lượng. Thầy như người cha thứ hai gần gũi, yêu thương, quan tâm, lo lắng cho tôi. Thầy cũng là người đã truyền cảm hứng để tôi yêu và đến với nghề giáo. Những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống và trong nghề dạy học đều được tôi chia sẻ với thầy. Đến nay, khi đã là một giáo viên có 20 năm đứng lớp, tôi vẫn tin vào con đường mình đã chọn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn nhớ lời thầy dặn là yêu thương học sinh, hết lòng với nghề" .

Đối với cô giáo Võ Thị Thùy Dương, Trường THCS Lộc Nga (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), tác phẩm “Cậu học trò và tôi” là một kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Nhờ học sinh mà giúp cô giáo kịp nhận ra mình đang ở đâu, đang ở chỗ nào và cần phải làm gì để tự điều chỉnh mình, tự thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn trong cuộc sống và trong sự nghiệp “trồng người”. Tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi đã chạm đến trái tim, khơi gợi những cảm xúc của tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nơi bạn đọc, khi đứng trước một hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương của cậu học trò nhưng đang gặp phải sự vô tình của cô giáo. Cô Dương tâm sự: "Một kỷ niệm tuy muộn nhưng vẫn kịp mở ra cho tôi một khung trời đầy ánh sáng, còn cơ hội để kịp bù đắp, chuộc lỗi, có hướng đi phù hợp và thích ứng giúp học trò khôn lớn, trưởng thành. Đó cũng là cơ hội giúp tôi trút bỏ bớt sự day dứt trong lòng. Kỷ niệm trong tác phẩm dự thi là sự trải nghiệm hữu ích. Nhờ đó tôi có được những thế hệ học sinh thành đạt sau này, khi chúng luôn nhận được tình yêu thương, sự thấu hiểu, đồng cảm, quan tâm và chia sẻ từ cô giáo".

Cho rằng cuộc thi là cơ hội để các tác giả nói lên tình cảm, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ với thầy cô-thần tượng của chính họ-ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng ban Giám khảo chung khảo cuộc thi chia sẻ: “Tôi cũng là một nhà giáo, từng có thời gian giảng dạy rất dài và cũng trải nghiệm, chứng kiến rất nhiều tình huống sư phạm, nhưng khi đọc những tác phẩm dự thi tôi vẫn lần lượt bị dẫn dắt qua nhiều tình huống bất ngờ, những câu chuyện tưởng như cổ tích giữa đời thường. Các tình huống sư phạm được tiếp cận đa diện, đa chiều, cách thể hiện ngôn ngữ, văn phong độc đáo, những câu chuyện rất đẹp, rất hồn hậu được nối dài và hiện lên như một bản tình ca mang nhiều cảm xúc về nhà giáo, nghề giáo".

Những bài học quý trong hành trình trở thành giáo viên

Những kỷ niệm, tình cảm về thầy, cô giáo không chỉ có sức lan tỏa mạnh mẽ, kết nối tình cảm thầy trò, mà còn là bài học quý cho những nhà giáo tương lai. Em Trần Thị Thảo Nguyên, sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc khi đọc các tác phẩm. “Mỗi tác phẩm là một câu chuyện đẹp về tình thầy-trò. Có những tình huống sư phạm mà em nhận thấy mình là một phần trong câu chuyện đó. Em đã học được nhiều điều, đó là những bài học về nghiệp vụ sư phạm, những câu chuyện ngoài trang giáo án của thầy, cô giáo và học sinh”, Thảo chia sẻ.

Còn với em Nguyễn Thị Phương Hằng, sinh viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cuộc thi là cơ hội để sinh viên, các thầy cô được chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc về nghề giáo. Phương Hằng cho hay: “Là một giáo viên tương lai, bản thân em vinh dự khi nghề giáo đã được coi trọng nay càng được coi trọng hơn. Những câu chuyện một lần nữa giúp em hiểu rằng yêu cầu về nghề giáo ngày càng cao, nhất là về phẩm chất, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên trau dồi, học tập”.

Bày tỏ cảm xúc đặc biệt khi cuộc thi năm nay diễn ra đúng dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: “Đây là dịp để mỗi chúng ta sau một ngày làm việc có thời gian tĩnh lặng bên trang giấy, máy tính để hồi ức về thầy cô và mái trường thân yêu của mình. Mỗi tác phẩm dù được giải hay không được giải đều là sự tri ân và những kỷ niệm đáng trân trọng về thầy cô và mái trường của mình".


THU HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tao-dung-niem-tin-ve-truyen-thong-ton-su-trong-dao-711592

  • Từ khóa