Thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) với số điểm 92,6/100 Nguyễn Ngọc Phụng trải qua quãng thời gian ngày học 8-10 tiếng.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa trao bằng tốt nghiệp đại học và sau đại học 2022 cho gần 1.160 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Trong đó, có 283 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
PGS.TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế trao bằng tốt nghiệp và huy chương vàng cho thủ khoa Nguyễn Ngọc Phụng (Ảnh: N.N).
Thủ khoa khối ngành Kỹ thuật của trường năm nay là nữ sinh Nguyễn Ngọc Phụng, ngành Toán ứng dụng với điểm 92,6/100.
Nguyễn Ngọc Phụng kể, khi học phổ thông ở Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM, một giáo viên dạy Toán đã truyền cảm hứng cho cô về môn Toán. Lúc đó, dù không phải là một học sinh nổi bật nhưng Phụng sớm nhận ra đam mê của mình.
Là "cô gái bắt đầu từ số 0", Phụng tiết lộ bí mật, trước đây cô thậm chí không thể phân biệt được sự khác nhau giữa dấu "suy ra" và "tương đương". Bất cứ khi nào giáo viên nói điều gì đó liên quan đến toán học đều làm đầu óc cô trống rỗng.
Khi vào đại học, chính Phụng cũng không hình dung nổi môn Toán lại khó và khô khan đến như vậy. Nhưng rồi Phụng sớm nhận ra đó chỉ là vẻ "xù xì" bề ngoài, khi mày mò tìm hiểu sâu sẽ thấy môn Toán yêu cầu người học phải có trí tưởng tượng rất đa dạng.
Nữ kỹ sư Nguyễn Ngọc Phụng (Ảnh: NVCC).
Cô nữ sinh phát hiện ra mình có một đam mê mãnh liệt là thích sống trong thế giới của riêng mình với Toán học. Phụng nói: "Có một thế giới riêng về toán ngay trong đầu tôi".
Để đạt điểm số "khủng", hàng loạt môn đạt điểm tuyệt đối 100, Phụng cho biết cô học rất, rất nhiều, một ngày dành 8 - 10 tiếng để học bài. Có những lúc Phụng học xuyên đêm nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, không đem lại giá trị. Cô gái không đánh đổi việc "thức một đêm thì phải bù lại bằng nhiều đêm".
Việc học với Phụng không đơn thuần là lấy sách ra, làm bài tập, viết ra, bởi làm bài nhiều chưa chắc đã giỏi. Việc học thật sự là khi đọc đến một định lý, Phụng sẽ ngồi suy ngẫm. Trước nhiều định lý toán học, Phụng thốt lên "Đẹp quá!". Từ đó sẽ tìm hiểu sâu, rồi lại muốn hiểu sâu hơn nữa... Điều này vừa mang đến cho nữ sinh niềm vui vừa duy trì được động lực của bản thân.
"Hồi học ở phổ thông, tôi cũng "ham hố" thành tích, điểm số nhưng càng học càng đuối, càng mất độc lực. Điểm số, thành tích không nên là mục tiêu đề ra. Tôi cảm thấy rằng hướng đơn giản, tự nhiên nhất sẽ tạo động lực cho mình đi đường dài", Phụng nói quan điểm về việc học.
Việc đạt kết học tốt, theo Phụng có thể từ phương pháp "luôn ở lại với vấn đề hơn là nhảy sang vấn đề khác". Trước mỗi vấn đề, Phụng sẽ tìm hiểu, đào sâu cho đến khi cô tin mình đã thật sự hiểu về nó trước khi chuyển sang vấn đề khác.
Có những khi, giáo viên đã dạy qua bài 2, Phụng vẫn ở lại với bài 1, không vội vàng, không lo lắng cho đến khi thật sự hiểu vấn đề. Điều này, Phụng cho rằng không nhiều bạn làm được vì thiếu sự nhẫn nại.
Một trong những cách học rất giá trị đối với nữ thủ khoa là giảng bài cho người khác. Khi người khác đặt câu hỏi cho mình, Phụng nhận thấy mình cũng chưa thật sự hiểu về nó và sẽ tìm hiểu cho bằng được.
Chia sẻ trong lễ tốt nghiệp về câu hỏi làm thế nào để đạt thành tích học tập xuất sắc, Phụng bày tỏ: "Riêng bản thân tôi nghĩ rằng, vì tất cả các nỗ lực đều xuất phát từ hai chữ "mục tiêu", do đó tôi tin rằng đặt câu hỏi "tại sao" (Tại sao bạn làm nó? Tại sao nó lại quan trọng với bạn như vậy? Tại sao lại vào lúc này?) nên là câu hỏi quan trọng đầu tiên chúng ta nên tự hỏi mình, chứ không phải là câu "làm thế nào".
Theo Phụng, môn Toán học đòi hỏi sự bay bổng và tưởng tượng (Ảnh: NVCC).
Kế hoạch sau tốt nghiệp, Phụng cho biết cô rất tò mò về cách tư duy của những người làm trong các lĩnh vực khác. Bởi vậy, cô sẽ tập trung cho việc mở rộng thế giới quan của mình ngoài ngành Toán, tiếp xúc với nhiều người, với nhiều lĩnh vực để học hỏi trước khi thực hiện mục tiêu học lên Thạc sĩ.
Về danh hiệu thủ khoa, Phụng bày tỏ đó là điều tự hào của bản thân nhưng khi ra ngoài thì danh hiệu này có thể chỉ là phù du. Khi tìm việc, thủ khoa sẽ có những lợi thế, ưu tiên nhưng học là một việc, đi làm lại là một việc khác.
Nữ thủ khoa bày tỏ: "Nhiều doanh nghiệp không quan trọng bằng cấp mà quan trọng là thực lực của bạn đến đâu và bạn có phù hợp với công ty hay không, có phải là mảnh ghép doanh nghiệp đang cần không. Nhà tuyển dụng sẽ có rất nhiều cách mà không nhất thiết phải "soi chiếu" qua bằng thủ khoa".
Hoài Nam/dantri.com.vn