Không lựa chọn hình thức homeschool (giáo dục tại nhà), một số phụ huynh chọn phương án semi-homeschool, kết hợp chương trình homeschool của nước ngoài và chương trình giáo dục của Việt Nam.
Semi-homeschool hay còn gọi homeschool bán phần là hình thức kết hợp việc đến trường học và tự giáo dục tại nhà, là khái niệm chỉ có ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Hồng Nhung).
Cẩn trọng để không "đứt gánh giữa đường" khi homeschool
Trong giáo dục chẳng có một mẫu số chung nào hay phương pháp chung nào phù hợp cho tất cả 100% học sinh cả. Tùy vào năng lực, sở thích của con trẻ, mỗi gia đình sẽ có sự điều chỉnh cách thức học tập riêng sao cho phù hợp và hiệu quả là ý kiến chung của các phụ huynh lựa chọn hình thức semi-homeschool.
Chị Nguyễn Thị Phương Liên (Hà Nội) đánh giá dưới góc độ cá nhân rằng, trường nào cũng sẽ tồn tại hạn chế. Tuy nhiên phụ huynh thay vì rời bỏ môi trường đó thì nên tự tìm cách bổ sung và lấp đầy những khuyết điểm để có thể giáo dục con trẻ phù hợp theo nhu cầu.
Chị Liên chỉ ra việc đưa con đến trường sẽ giúp trẻ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, nhà trường cả về kỹ năng xã hội và kiến thức. Thay vì loại bỏ, nên tận dụng triệt để nguồn lực đó vì homeschool hoàn toàn sẽ rất vất vả.
"Thành quả của việc nỗ lực cho con vừa đến trường, vừa học Acellus - chương trình học homeschool của Mỹ là con vẫn có trường lớp để tương tác với bạn bè thầy cô, tham gia các hoạt động ngoại khóa chung.
Song song đó, bố mẹ vẫn có thể đi làm kiếm tiền và không bị gắn chặt thời gian với con. Tôi có niềm vui của việc đi làm nên tôi muốn ở nhà toàn thời gian với con. Nhưng tôi có đủ trách nhiệm từ 18h-22h mỗi ngày, cuối tuần và ngày lễ để homeschool cho con.
Có nền tảng kiến thức nên khi con đi học ở nước ngoài cũng có thể hòa nhập tốt không hề thua kém các bạn đang sống tại Mỹ, Úc, Nhật".
Phụ huynh lựa chọn kết hợp 2 hình thức: Đi học và Homeschool nhằm bổ trợ hai chiều cả về kiến thức và kỹ năng của trẻ (Ảnh minh họa: Katerina Holmes/Pexels).
"Đến trường học hay giáo dục tại nhà. Cái gì cũng có 2 mặt của nó, không tốt hết cũng không xấu hết. Kết hợp được thì tốt", là ý kiến của chị N.H (TPHCM) khi nói về lựa chọn hình thức semi-homeschool cho con.
"Phụ huynh hãy cẩn trọng lên kế hoạch đường dài. Vì một khi cho con nghỉ chương trình giáo dục truyền thống của Việt Nam thì không thể quay lại được đúng với trình độ lớp học của trẻ nữa.
Các trường đại học cả ở Việt Nam và nước ngoài vẫn cần một bộ học bạ chính thống để tuyển sinh bên cạnh các tiêu chí khác. Tuy có các trường đặc thù, vẫn chấp nhận học bạ không chính thống, nhưng lựa chọn là rất ít.
Vì vậy, điều quan trọng là nếu trẻ vẫn sống ở Việt Nam thì nên cho học song song để con vừa có thể cọ xát với kiến thức nâng cao vừa theo kịp với hệ thống giáo dục tại Việt Nam", chị H. nói thêm.
Chị P.N.T (Hà Nội) cũng cho biết gia đình chị kết hợp việc cho con đi học trường công ở Hà Nội cùng với đó học theo chương trình học phổ thông của Mỹ tại nhà, thay vì cho con tham gia các lớp học thêm ngoài.
Chương trình học phổ thông ở Mỹ gồm 4 nhóm môn cơ bản: Toán, Nghệ thuật ngôn ngữ (gồm Văn học và Ngữ pháp tiếng Anh), Khoa học tự nhiên (gồm Lý Hóa Sinh), và Khoa học xã hội (gồm Sử, Địa). Ngoài ra còn các môn dạng tự chọn như Tài chính cá nhân, Nghệ thuật, Lập trình...
Chị T. cho con học đủ các môn cơ bản, và thêm thắt một số nội dung khác tùy theo hứng thú của con. Chị cho biết gia đình không hoàn toàn theo một chương trình học cụ thể nào, mà kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau và tự "đo ni đóng giày" cho phù hợp với con.
Chị T. cũng bày tỏ rằng việc sắp xếp chương trình học của con không hoàn toàn là chỉ nằm ở việc học online mà còn kết hợp các hình thức trải nghiệm thực tế để con rèn luyện khả năng tự học và hứng thú với việc học.
Kiên trì đối mặt với khó khăn khi semi-homeschool
Chị Liên đã thừa nhận rằng, cả bố mẹ và con sẽ khá vất vả vì học 2 chương trình song song nhưng không phải là không làm được.
Semi-homeschool đôi khi cũng có thể đi chệch hướng, gây mệt mỏi, tốn kém thời gian và tiền bạc (Ảnh: Istock).
Bố mẹ sẽ đôi khi gặp khó khăn khi phải cân bằng việc đi làm, chăm lo gia đình thường ngày và giáo dục con cái, đôi khi bố mẹ sẽ cảm thấy quá tải, nhưng chỉ cần cố gắng là có thể tiếp tục.
Về phía con, cũng sẽ có lúc cảm thấy mệt mỏi bởi lượng kiến thức tiếp thu nhưng đối với trẻ có niềm hứng thú với học tập thì việc đó có thể điều chỉnh được nếu phụ huynh chú ý.
"Kỹ năng tự học là kỹ năng vua của mọi loại kỹ năng nhưng kỹ năng sống hòa hợp với mọi người, với mọi sinh vật sống và với tự nhiên là kỹ năng nữ hoàng. Có vua thì phải có nữ hoàng thì đứa trẻ mới sống hạnh phúc", chị Liên bày tỏ.
Với tư duy đó, gia đình chị luôn cố gắng đảm bảo xây dựng và tổ chức các hoạt động thực hành và thực tế thú vị cho con trẻ. Bằng cách kết hợp chương trình hướng đạo sinh BSA (chương trình của Mỹ dành cho trẻ từ 11-17 tuổi, gồm một số hoạt động như: Cắm trại, đi bộ đường dài, chèo thuyền, đi bè, leo núi...) cùng với du lịch "phượt" và trải nghiệm thực tế nghề nghiệp trong và ngoài nước cho con.
"Giáo dục hay làm gì thì cũng cần phải có định hướng bài bản. Ở bất cứ giai đoạn nào của hành trình, phụ huynh khó tránh khỏi những vướng mắc hay những băn khoăn khó tìm được lời giải đáp.
Ví dụ như việc cố gắng đem lại các trải nghiệm thực tế thú vị cho trẻ homeschool đôi khi không chỉ là vấn đề về tài chính. Mà còn là khó khăn trong việc kết nối con cùng với những trẻ homeschool khác để tăng tương tác xã hội. Bởi homeschool vẫn chỉ là một cộng đồng giáo dục rất nhỏ ở Việt Nam.
Không chỉ thế việc phải cố gắng cập nhật kiến thức liên tục, tìm hiểu tất tần tật mọi thứ liên quan đến chương trình học để đảm bảo con có đủ năng lực cũng như duy trì sự hứng thú của con với kiến thức đôi khi khiến bố mẹ mệt mỏi.
Vì vậy mà sẽ có lúc chán nản, áp lực và trăn trở về việc có nên tiếp tục semi-homeschool cho con hay không", chị H. bộc bạch.
Chị H. cho rằng, để có thể đi đến một cách thức giáo dục phù hợp nhất với con, phụ huynh nên bắt đầu xác định câu trả lời từ câu hỏi mục tiêu giáo dục là gì, từ mục tiêu rồi chọn phương pháp rồi mới chọn đến chương trình học, môn học, lớp học, thầy dạy, môi trường bạn bè, các hoạt động dã ngoại…
Tiếp đó, trong quá trình dạy và học cần theo dõi quan sát đánh giá xem có đi đúng mục tiêu không rồi điều chỉnh hoặc thay thế chương trình nếu thấy cần thiết. "Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần phải kiên trì hướng dẫn và đồng hành với con" - chị H. nhấn mạnh.
Hồng Nhung/dantri.com.vn